Tiềm ẩn áp lực lạm phát

Điều lo ngại là trong bối cảnh hiện nay việc nới lỏng tiền tệ, bơm mạnh vốn ra nền kinh tế có thể kích lạm phát tăng cao trở lại. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết về lý thuyết, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả, mà còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Vì nếu kinh tế bất trắc, luồng tiền khi đó có thể lại đổ vào thị trường tài sản, như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… không đổ vào sản xuất, kinh doanh.

(ĐTTCO) - Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tính đến cuối tháng 6, tín dụng nền kinh tế tăng 6,82% so với cuối năm 2015. Với tốc độ tăng này, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 sẽ đạt 20%. Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2015 mặc dù tín dụng chỉ tăng hơn 6,3%, nhưng cả năm 2015 vẫn đạt tới 18%.

Điều lo ngại là trong bối cảnh hiện nay việc nới lỏng tiền tệ, bơm mạnh vốn ra nền kinh tế có thể kích lạm phát tăng cao trở lại. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết về lý thuyết, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả, mà còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Vì nếu kinh tế bất trắc, luồng tiền khi đó có thể lại đổ vào thị trường tài sản, như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… không đổ vào sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo công bố ngày 19-7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam là tích cực nhưng vẫn chịu nhiều tác động bất lợi. Năm 2016, GDP dự báo tăng khoảng 6% với mức lạm phát cao hơn năm ngoái (lạm phát cả năm 2016 là 4%) và cán cân thanh toán vãng lai sẽ thặng dư ở mức tối thiểu (0,1%).

Các chuyên gia kinh tế nhận định không loại trừ lạm phát năm 2016 sẽ vượt quá mức mục tiêu 5% của Chính phủ. Bởi, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, như việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương cơ bản, độ trễ của tăng cung tiền, áp lực tỷ giá... Giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi, sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung gây thiệt hại về kinh tế…  cũng là những yếu tố tác động đến chỉ số giá từ nay đến cuối năm.

Liên quan đến vấn đề tín dụng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định, thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu và kiên quyết kiểm soát chặt giải ngân vốn, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Như vậy, với quan điểm của NHNN, khả năng chính sách tiền tệ thời gian tới vẫn sẽ giữ ở mức độ ổn định, có dư địa cần thiết để đối phó với lạm phát. Còn theo khuyến cáo của TS. Nguyễn Đức Thành, Chính phủ nên thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa để tránh gây áp lực lên lạm phát, từ đó tạo mầm mống bất ổn.

Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 5% như Quốc hội đề ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách; kiểm soát chặt bội chi ngân sách nhà nước; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời nhiều chuyên gia khuyến cáo kiểm soát lạm phát dưới 5% như mục tiêu đặt ra phụ thuộc vào điều hành giá dịch vụ giáo dục và y tế từ nay đến cuối năm. Trường hợp có những biến động về địa chính trị, biến động kinh tế thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá, Chính phủ cần lưu ý thị trường tiền tệ, ổn định được thị trường tiền tệ sẽ hạn chế được vấn đề tăng giá. Ngoài ra, bội chi chắc chắn phải kiểm soát vì đang ở mức rất cao, từ nay đến cuối năm tiếp tục phải giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Dự báo 6 tháng cuối năm lạm phát sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm (ở mức từ 2,7-3%) do giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, giá dầu thô có thể đạt 60USD, giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình. Khả năng tăng trưởng tín dụng 2016 tăng hơn 20%. Vì thế, dự báo CPI cả năm 2016 sẽ ở mức 5-5,5%. Và để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5%, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động tâm lý lên CPI.

Các tin khác