Từ đầu năm đến nay, cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán (chỉ số VN-Index tăng hơn 21%, HNX-Index tăng hơn 50%), cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm ghi nhận đà tăng mạnh nhất với mức bình quân trên 60%.
Tính đến cuối tháng 6, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức tăng hơn gấp đôi so với đầu năm như NCB (NVB) tăng 140%; SeABank (SSB) tăng 125%; LienVietPostBank (LPB) tăng 125%; VIB tăng 120%; SHB tăng 110%; VPBank (VPB) tăng hơn 100%...
Cổ phiếu ngân hàng cũng trở thành nhóm chính, kéo chỉ số VN-Index và HNX-Index liên tục vượt đỉnh giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, với những biến động của thị trường một tuần gần đây, nhóm cổ phiếu này lại đang ghi nhận xu hướng suy yếu khi dòng tiền không còn dồi dào như trước.
Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng giảm giá
Dữ liệu thị trường cho biết trong khi chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 3% kể từ đợt điều chỉnh tuần trước, toàn bộ cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn chưa trở lại mức tăng trước đó.
Thị giá hiện tại của toàn bộ cổ phiếu ngành ngân hàng đều đang thấp hơn so với một tuần trước. Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về PGBank (PGB) và SaigonBank (SGB) mới mức giảm 23-24% giai đoạn này.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức giảm hai chữ số chỉ trong một tuần trở lại đây như LienVietPostBank (LPB); SHB; BacABank (BAB); NCB (NVB); Eximbank (EIB); Sacombank (STB)…
Mức giảm thấp nhất ghi nhận giai đoạn này là của cổ phiếu Vietcombank (VCB) với đà suy giảm 3%, hiện phổ biến giao dịch ở mức 104.000 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 16/6). Hiện VCB vẫn là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất thị trường, xếp sau là cổ phiếu VPB của VPBank với 66.800 đồng, thấp hơn 7% so với đỉnh gần nhất.
Ghi nhận trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Fiingroup cho biết chỉ số giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 34,4% từ đầu năm nay. Điều này cho thấy triển vọng tích cực về nhóm cổ phiếu này đã phần nào được phản ánh vào giá. Đồng thời khiến định giá nhóm cổ phiếu này không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận năm.
Trong đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho ngân hàng sẽ đến từ việc duy trì được biên lãi ròng (NIM) ở mức cao; đẩy mạnh cho vay sau khi tăng quy mô vốn chủ; áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không lớn nhờ Thông tư 03; và thu nhập từ hoạt động dịch vụ không ngừng tăng trưởng cao.
Thực tế, kết thúc quý I năm nay, nhiều ngân hàng đã thực hiện được 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm, nên nhiều khả năng hầu hết nhà băng sẽ hoàn thành vượt kế hoạch. Đáng chú ý, VietinBank đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ trong quý I.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng yếu tố phát hành cổ phiếu có thể tác động rất tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro, nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá.
Định giá còn hấp dẫn?
Dựa trên kế hoạch lợi nhuận và phát hành cổ phần của các ngân hàng năm nay, FiinGroup ước tính P/B (giá trên giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu) tương lai của khối ngân hàng là 2 lần, thấp hơn so với mức hiện tại 2,6 lần.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng hầu hết ngân hàng có thể hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm nay.
Cùng với hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược (LienVietPostBank, OCB, SHB, Vietcombank, TPBank, VPBank), hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền (HDBank, LienVietPostBank), đây sẽ là những động lực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.
Các chuyên gia tại đây cho rằng định giá cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn hấp dẫn, với mức P/E (giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) toàn ngành thấp hơn 30% so với VN-Index, trong khi mức P/B hiện cũng thấp hơn 16%.
Báo cáo của IVS cũng cho biết so với nhóm ngân hàng trong các thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá hiện tại của cổ phiếu ngân hàng trong nước hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung.
Tương tự, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho biết dù định giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng thời gian qua, nhưng vẫn ở mức hấp dẫn. Cụ thể, hiện nay, P/B dự phóng toàn ngành ngân hàng đang ở 1,8 lần, cao hơn mức định giá toàn ngành.
Theo BSC, nguyên nhân có thể đến từ tốc độ tăng trưởng cao của ngành giúp ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn. Cùng với đó, các câu chuyện của từng nhà băng trong năm nay cũng giúp đánh giá lại giá trị các cổ phiếu.
Ngoài ra, lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp cũng giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (bao gồm cả cổ phiếu ngân hàng) cao hơn.