Tiền mã hóa chính thức thâm nhập sàn chứng khoán

(ĐTTCO) - Những ngày đầu tháng 2-2022 được xem là thời điểm mà NFT (non-fungible token, tạm dịch là các token độc nhất, không thể thay thế), đã chính thức thâm nhập vào những định chế tài chính lớn nhất và chủ đạo của thế giới.
Tiền mã hóa chính thức thâm nhập sàn chứng khoán
Cụ thể, sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới là New York Stock Exchange (NYSE) với vốn hóa thị trường gần 28.000 tỷ USD vào cuối 2021, đã nộp đơn với Cục bảo hộ bản quyền sáng chế và nhãn hiệu của Mỹ để chuẩn bị thành lập sàn giao dịch NFT và tài sản mã hóa khác, bao gồm các đồng tiền mã hóa.
Kế hoạch này cho thấy sàn giao dịch cổ phiếu lớn nhất thế giới chuẩn bị đặt chân vào thế giới tài sản mã hóa, và trực tiếp cạnh tranh với những sàn phổ biến của giới chơi tài sản mã hóa như OpenSea.
Điều đó đồng nghĩa là các tài sản như các chú khỉ Bored Ape Yacht Club trong bộ sưu tập, cũng như các mảnh “đất ảo” triệu đô có thể được giao dịch trên NYSE. Đây là một bước tiến nữa của các tài sản NFT trong việc thâm nhập vào giới tài chính. 
Trước đó, Trung Quốc mặc dù cấm các đồng tiền mã hóa, cũng đã bật đèn xanh cho lĩnh vực này thông qua việc quyết định mở cửa cho ngành công nghiệp NFT phát triển, nhưng xây dựng trên nền tảng mạng blockchain do nhà nước hỗ trợ.
Dù sao đi nữa, đây cũng là một bước tiến quan trọng, cho phép một dòng tài sản mã hóa được giao dịch hợp pháp ở thị trường trọng điểm châu Á này.
Ở Việt Nam, NFT cũng đang dần trở nên phổ biến hơn. Lấy thí dụ ZorbaX đã hợp tác với nền tảng Blockchain KardiaChain, để tạo ra chương trình NFT thành viên độc quyền (NFT exclusive membership).
Theo đó, ZorbaX sẽ phát hành 2.500 tác phẩm nghệ thuật độc quyền để các thành viên sở hữu. ZorbaX sẽ cấp cho chủ sở hữu NFT khả năng tiếp cận vào các cơ hội đầu tư và tiện nghi thuộc ZorbaX bao gồm lounge hạng sang, câu lạc bộ du thuyền, tiệc thử rượu, hưởng ưu đãi về du lịch nghỉ dưỡng ở khu resort 5 sao Chang Paradise tại Côn Đảo. 
Đây là một xu hướng kết hợp tài sản mã hóa với những lợi ích trong thế giới thực mà một số thương hiệu lớn như Nike, LV, Disney đang thử nghiệm hoặc định tiến hành. Một công viên chủ đề Disney với những đặc quyền riêng cho người sở hữu NFT là một ý tưởng táo bạo.
Một ý tưởng khác là khi người ta sở hữu đủ một số NFT do một tờ báo lớn như Financial Times hay Economist phát hành thì có thể đặt được chỗ ăn trưa với một nhà báo nổi tiếng và một nhân vật nhiều người muốn gặp như Warren Buffett. 
Như vậy NFT đang tạo ra những cơ hội không chỉ cho những thương hiệu sang chảnh,  mà cũng tạo ra những cơ hội cho nhiều người bình dân thay đổi cuộc đời. Nhiều nghệ sĩ đã đổi đời nhờ bán được những tác phẩm NFT với giá vài trăm ngàn USD và trở thành những câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người khác tham gia vào thị trường này.
Khi nhiều nghệ sĩ đang sống chật vật và khó tìm cách để người khác biết đến các tác phẩm của họ, thị trường NFT không có rào cản này đang tạo ra một cơ hội khổng lồ.
Với các nghệ sĩ, người nổi tiếng, đây cũng là cơ hội để họ ký những hợp đồng phát hành NFT và xây dựng một cộng đồng riêng của mình. Nhìn xa hơn, một số công ty đang hướng đến việc quản lý không gian siêu thực (metaverse) cho nghệ sĩ, và NFT là một phần trong đó. 
Với lĩnh vực chơi game dựa trên tiền mã hóa để kiếm tiền nổi đình nổi đám (mà giờ thường được gọi là gamefi), NFT cũng chính là lớp tài sản trọng yếu trong các game này và hiện tại khả năng bán chéo tài sản, hợp tác trong game cũng mở rộng. 
Thị trường bất động sản trên thế giới siêu thực metaverse cũng được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2022, với việc ngày càng nhiều môi giới nhà đất và nay là cả những công ty bất động sản niêm yết ở Anh, Mỹ và Hồng Kông gia nhập. Mỗi miếng đất trên thế giới metaverse chính là một tài sản NFT. 
Sự xâm nhập của các tài sản này vào các sàn giao dịch lớn ở Mỹ, Trung Quốc và sự xuất hiện của nó ở Việt Nam đặt ra một nhu cầu cấp thiết cần phải có khung pháp lý dành cho tài sản mã hóa nói chung và NFT nói riêng đủ nhanh. Ở nước ngoài đang diễn ra nhiều vụ tranh chấp bản quyền, quyền phát hành NFT. Ở Việt Nam, sớm muộn điều này sẽ diễn ra. Pháp luật không thể đi chậm hơn hơi thở của cuộc sống quá xa. 

Nhu cầu pháp lý của NFT ở Việt Nam còn cấp thiết ở chỗ là cái gì mà “nóng”, thời thượng thì nó sẽ thu hút các hoạt động lừa đảo. Để tạo điều kiện cho những cá nhân và tổ chức có hiểu biết và có năng lực phát triển thị trường NFT bền vững và dài hạn, cần có một khung pháp lý cho họ phát triển.

Nếu không thì sau đó nếu có người bị lừa đảo, cơ quan quản lý lại ra phát đi thông điệp vô thưởng vô phạt là nhà đầu tư cần tìm tổ chức có uy tín để đầu tư. Nhưng nếu khung pháp lý chưa có thì làm sao biết ai là có uy tín, và các tổ chức có uy tín cũng ngần ngại mở hoạt động ở một lĩnh vực mà pháp lý không rõ ràng.

Các tin khác