Tiền thừa ngân hàng đổ vào trái phiếu?

(ĐTTCO)-Thanh khoản NH liên tục ở trạng thái dư thừa trong nhiều tháng qua do tăng trưởng huy động cao, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp. Do đó, không chỉ giảm lãi suất để giảm chi phí đầu vào, các NH đang có xu hướng “giải phóng” lượng tiền huy động vào các kênh đầu tư như trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). ĐTTC ghi nhận ý kiến của TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, xung quanh nội dung này. 
Tiền thừa ngân hàng đổ vào trái phiếu? ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thời điểm cuối năm thanh khoản của hệ thống NH thường căng thẳng, nhưng sao năm nay lại có sự khác biệt rõ so với trước đây?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Sức ép đối với thanh khoản của hệ thống NH thường gia tăng vào cuối năm do nhu cầu vốn thời điểm này luôn tăng cao. Theo đó, lãi suất trên thị trường 1 và 2 cũng có biến động theo chiều hướng tăng.
Tuy nhiên năm nay, tại thời điểm này các NH đang rất dồi dào thanh khoản. NHNN đã có nhiều tháng liền không can thiệp trên thị trường mở. Lãi suất liên NH liên tục duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Thanh khoản dồi dào xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân.
Thứ hai, các NH không thể cho vay ra được nhiều trong khi vốn huy động vẫn tốt, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn trong 9 tháng qua cao hơn tăng trưởng cho vay. 
Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, nên nhu cầu vay vốn không cao, do đó tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo sẽ thấp. Trong 9 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 6,09%, dự báo cả năm chỉ khoảng 8%. Khi nhu cầu tín dụng không cao, thanh khoản của hệ thống NH những tháng cuối năm nay sẽ không căng thẳng như những năm trước.
- Khó tăng trưởng tín dụng đã khiến nhiều NH chuyển dịch sang đầu tư vào TPCP và TPDN. Ông bình luận gì về xu hướng này?
Có tổ hợp tín dụng mới giải quyết được bài toán tín dụng. Còn các NH dư tiền, đầu tư vào TPCP, TPDN tiềm ẩn tình trạng đảo nợ, là một sự lãng phí.
- Hiện các NH đang chuyển dòng vốn sang lĩnh vực đầu tư nhiều hơn. Với kênh TPCP, NH đầu tư vào cũng phù hợp trong bối cảnh dư thừa vốn, vì dù lãi suất TPCP hiện rất thấp nhưng tính thanh khoản rất cao. Hệ số rủi ro của TPCP bằng 0, tức kênh đầu tư này rất an toàn.
Khi nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng lên, NH có thể bán TPCP để chuyển sang cho vay các thành phần kinh tế. Còn việc NH đầu tư TPDN, phần đó cộng vào dư nợ. Đó cũng là khả năng khiến tăng trưởng tín dụng của một số NH trong quý III ở mức khá cao so với mức chung toàn ngành. 
Nhìn ra các NH trên thế giới, chuyển hướng sang kênh đầu tư TPCP là lựa chọn khi dư thừa vốn, vì đây là loại hình đầu tư có thể nói an toàn nhất trong quốc gia và có tính thanh khoản cao.
Ngoài ra, các NH đó cũng đầu tư vào những loại tài sản khác như chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu của DN. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cổ phần của DN có sự hạn chế, chỉ mang tính đầu tư loại chứng khoán mua đi bán lại, không mua dài hạn như NH Việt Nam mua TPDN. 
Tôi cho rằng, việc các NH đầu tư vào TPDN hiện nay có nhiều rủi ro, mặc dù họ mua TPDN hay cho vay đều phân tích tình hình tài chính của các tổ chức phát hành để quyết định.
Bên cạnh đó, theo quy định của NHNN, những khoản mua TPDN được xem là cho vay và phải cộng vào dư nợ tín dụng. Vấn đề là TPDN có lãi suất tương đối cao với kỳ hạn dài, có nghĩa độ rủi ro cũng tăng lên so với tín dụng ngắn hạn. Đồng thời, không loại trừ khả năng một số NH mua TPDN để đảo nợ. Tức họ mua TPDN của DN và DN dùng tiền đó để trả cho nợ cũ. 
Việc đảo nợ là hiện tượng thường rất dễ xảy ra, có thể nhắm vào 2 mục đích biến nợ xấu, nợ cũ thành nợ tốt và nợ mới cho cùng một DN và cơ cấu lại nợ của các DN. Nếu lãi suất khoản vay trước đây cao, DN phát hành TPDN để NH mua với lãi suất có thể thấp hơn lãi suất họ vay trước kia. Đó là động thái tái cơ cấu nợ.
Trong các mục đích này, tôi đồng ý với việc tái cơ cấu nợ cho những DN lành mạnh, vì đó là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, nếu NH mua TPDN để đảo nợ xấu thành nợ tốt là trái quy định, cần có thanh tra giám sát từ cơ quan quản lý để tránh rủi ro.
Vì từ đây đến cuối năm, NH vẫn có thể đổ tiền nhiều hơn vào các kênh đầu tư, trong đó có TPDN.
Tiền thừa ngân hàng đổ vào trái phiếu? ảnh 2 Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
- Sức khỏe DN đang bị bào mòn do tác động dịch bệnh, nhưng rất nhiều DN, nhất là DNNVV không tiếp cận được vốn. NH dư thừa vốn nhưng không thể cho vay dưới chuẩn. Có giải pháp nào cho bài toán này, thưa ông?
- Hỗ trợ tín dụng cho DN vượt qua ảnh hưởng dịch bệnh là vấn đề được đặt ra. Nhưng các gói hỗ trợ đã được thực hiện đến gói hỗ trợ riêng của từng nhà băng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số DN, nhất là DNNVV, vì vốn hỗ trợ chỉ đến với những DN thân quen với NH.
Vì vậy, muốn hỗ trợ hiệu quả phải có giải pháp phù hợp hơn. Tôi đã đề nghị xây dựng một tổ hợp tín dụng để đưa vốn đến các DN trong lúc khó khăn này. 
Về tổ hợp tín dụng này, tôi cũng đã có chia sẻ cụ thể với ĐTTC trong bài báo trước. Cần phải có giải pháp để tận dụng số tiền hiện tại đang có để giúp những DN, dùng một tổ hợp tín dụng cho vay tín chấp, chuẩn cho vay được thiết kế lại và cho vay dưới cơ chế bảo lãnh tín dụng của quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.
Tổ hợp tín dụng hướng đến các DN đang gặp khó khăn nhưng nếu có vốn có thể duy trì hoạt động. Để đến sang năm đi vào quá trình phục hồi, các DN có đủ sức góp phần vào trong vấn đề phục hồi nền kinh tế. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác