Kiểm tra giấy tờ tại chốt kiểm soát Phan Bội Châu - Bạch Đằng, quận Bình Thạnh ngày 15-9. Ảnh: MINH NGHĨA
* Ông ĐINH QUANG NHO, cán bộ hưu trí ở phường 3, quận Gò Vấp:
Xây dựng các gói kích cầu phục hồi sản xuất
Với những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, TPHCM đang tiếp tục chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho đông đảo người dân khó khăn, dù là thường trú hay tạm trú.
Cán bộ hưu trí, đảng viên chúng tôi thật sự vui mừng và hoan nghênh tinh thần này của lãnh đạo TPHCM. Tuy nhiên, những ngày tới, thành phố phải chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9 trở đi.
Lãnh đạo thành phố nên lấy ý kiến cộng đồng các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, y tế, người dân để làm sao kế hoạch đáp ứng được mục tiêu vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội trong điều kiện có dịch.
Điều cực kỳ cần thiết là thành phố sớm có gói kích cầu phục hồi sản xuất, hỗ trợ cho người lao động, với phương châm sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của thành phố.
* Trung tá NGUYỄN THANH BÌNH, Công an TP Thủ Đức:
Phải duy trì và phát triển các thành quả đạt được
Những tuần qua, TPHCM đã đạt được những thành quả chống dịch như giảm số ca tử vong, tăng độ bao phủ vaccine, tôi hy vọng không bao lâu nữa thành phố sẽ vượt qua dịch để bước vào trạng thái “bình thường mới”.
Để đảm bảo an toàn khi thành phố mở cửa trở lại, bên cạnh các thông điệp 5K và 5T, tôi cho rằng nên có thêm nguyên tắc 3P để duy trì và phát triển các thành quả đạt được: phòng bệnh hơn chữa bệnh (nêu cao ý thức phòng bệnh của mỗi người, mỗi nhà, mỗi đơn vị); phát huy nội lực (tiếp tục phát huy thế mạnh sàng lọc, khám chữa bệnh, phát triển nguồn vaccine trong nước); phạt nặng nếu vi phạm (tiếp tục chế tài nghiêm khắc, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm phòng chống dịch).
* Ông LÝ VĂN THÀNH, Giám đốc Công ty TNHH Đông Thành, quận 12:
Cần hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp đã sẵn sàng tâm thế là nếu đến cuối tháng 9, thành phố kiểm soát được dịch thì bắt tay ngay vào hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãnh đạo thành phố cũng nên có chính sách hỗ trợ thiết thực giúp họ hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, các khoản vay ngân hàng cần được giãn thời gian thanh toán và không bị đưa vào danh sách nợ xấu do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Thực sự là trong mấy tháng qua, chúng tôi không lưu thông, không sản xuất được, lại phải trả một phần lương cho nhân viên, áp lực phải thanh toán các khoản vay đúng hạn cho ngân hàng đã vượt quá giới hạn chịu đựng.
Với những doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì giãn cách xã hội, tôi cũng có kiến nghị cơ quan hữu quan nên miễn 100% tiền nộp BHXH.
* Ông VÕ VĂN QUYẾT, Giám đốc Công ty Nhựa Thuận Thiên:
Có niềm tin sẽ vượt qua khó khăn
Khi chính quyền đặt tính mạng người dân lên trên hết, thì giới doanh nhân không bất ngờ trước quyết định của thành phố kéo dài thời gian giãn cách đến cuối tháng 9. Đối với doanh nhiệp, thời gian giãn cách cứ kéo dài một ngày sẽ chất chồng thêm khó khăn. Nhưng điều làm giới doanh nhân phấn chấn, hy vọng là trong lúc đang gồng mình phòng chống dịch, thành phố cùng các sở ngành đã họp bàn xây dựng kế hoạch để mở cửa trở lại, phục hồi kinh tế.
Thành phố đã lên kịch bản 8 bộ tiêu chí để khích thích sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch được đẩy lùi. Cách làm việc chủ động, sâu sát của chính quyền không chỉ giữ gìn, đảm bảo sức khỏe của người dân mà đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có thêm nội lực đầu tư phát triển kinh tế khi thành phố hết giãn cách.
* Ông VĂN ĐOÀN, đường 22, phường Linh Đông, TP Thủ Đức:
Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng
Vì sức khỏe, tính mạng của người dân, việc chính quyền thành phố quyết định kéo dài thời gian giãn cách là hợp lý. Quyết định này sẽ thêm khó khăn cho không ít gia đình sau một thời gian dài gồng gánh chống dịch. Để người dân an tâm, đồng lòng cùng chính quyền phòng chống dịch, đảm bảo mục tiêu đặt ra, cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua việc tổ chức cung cấp các loại các loại nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, rau, thuốc chữa bệnh… thực hiện khá đầy đủ, nhưng có lúc có nơi lại chưa kịp thời, còn chậm, đặc biệt là túi thuốc chữa bệnh. Vì thế, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần sâu sát hơn, kịp thời chia sẻ, đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn.