Cần nhiều “tiền trực thăng” cho dân
Thông thường, chính phủ sẽ kích thích kinh tế thông qua giảm lãi suất hoặc chi tiêu đầu tư công vào các dự án hạ tầng, xây dựng cầu đường, sân bay... Nhưng khi nền kinh tế lâm vào trạng thái lãi suất thấp và kinh tế vẫn suy thoái, trực tiếp đem tiền đến tay người dân là lựa chọn khác. Chẳng hạn trong gói kích thích kinh tế của Mỹ, những người kiếm thấp hơn 75.000USD/năm sẽ được chính phủ gửi cho 1.200USD. Những ai kiếm từ 75.000 đến 99.000USD/năm cũng được hỗ trợ ít nhiều.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã có gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho người dân gặp khó khăn do Covid-19. Dự tính khoảng 20 triệu người sẽ được hỗ trợ từ chính sách này. Theo đó, nhiều hộ nghèo, lao động bị chấm dứt hợp đồng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng (tháng 4-6). Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng sẽ được trợ cấp 1,8 triệu đồng/tháng.
Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng quan trọng là gói hỗ trợ này cần được nhanh chóng triển khai hiệu quả đến tay người dân càng nhanh càng tốt. Mặt khác, số tiền này có thể không đủ với nhiều người đang chật vật mưu sinh ở những thành phố lớn, họ cần hỗ trợ hơn như thế. Nhiều doanh nghiệp cũng cần được cho vay lãi suất 0% lâu hơn nữa. “Tiền trực thăng”, vì vậy sẽ cần nhiều hơn nữa.
Thương mại quốc tế được dự đoán sẽ giảm đến 32% trong năm 2020. Là nước mà động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và vốn nước ngoài, Việt Nam chắc chắn sẽ đối mặt với cú sốc cầu từ bên ngoài, dẫn theo cú sốc mạnh đến cán cân thanh toán do tăng trưởng xuất khẩu giảm, vốn đầu tư nước ngoài sụt và lượng kiều hối cũng có thể suy giảm.
Khi kinh tế suy giảm, túi tiền của người dân sẽ bị tác động mạnh, khi đó chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm, kéo theo sự sụt giảm cầu tiêu dùng nội địa và sự đi xuống của các ngành kinh doanh dựa vào sức chi tiêu của thị trường 100 triệu dân. Vì vậy, tiếp tục phát “tiền trực thăng” không chỉ để duy trì an sinh xã hội, mà cũng là duy trì nguyên khí cho nền kinh tế.
“Tài trợ tiền tệ” ở Anh
“Tài trợ tiền tệ” ở Anh
Trong những thời kỳ chiến tranh, sụp đổ kinh tế kéo dài hoặc đại dịch, bảo vệ việc làm, sinh kế và sức khỏe người dân và doanh nghiệp - nguyên khí của quốc gia - là cấp thiết phải làm ngay lập tức. Martin Wolf, cây bút bình luận kinh tế của Financial Times |
Ở đây nảy sinh câu hỏi: tiền đâu cho đủ để phát “tiền trực thăng” cho dân? Câu trả lời: tiền từ chính phủ. Theo đó, Chính phủ sẽ phải tăng chi ngân sách mạnh mẽ ở mức “chưa từng thấy” như ở Mỹ, châu Âu, Singapore… và cả Việt Nam.
Câu hỏi tiếp theo: chính phủ lấy tiền đâu ra? Có 2 lựa chọn. Thứ nhất, vay nợ quốc tế hoặc nội địa. Lựa chọn này, cho dù là ở dạng nào, cũng sẽ làm tăng tỷ lệ nợ quốc gia. Với những quốc gia có tỷ lệ nợ công cao và thâm hụt ngân sách lớn như Việt Nam sẽ gặp trở ngại. Thứ hai là “tài trợ tiền tệ” (monetary financing). Đó là NHTW trực tiếp chi tiền vào tài khoản chính phủ ở NHTW. Đây không phải khoản nợ vì chính phủ không phải trả lại. Cơ bản là NHTW chuyển khoản tiền không hoàn lại vào tài khoản chính phủ.
Nước Anh vừa thực thi giải pháp này. Vào ngày 9-4, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ nâng quy mô tài khoản ứng cứu khẩn cấp (Ways and Means Facility) ở NHTW Anh (BOE) lên không giới hạn. Tài khoản này trước đây chỉ giới hạn ở mức 370 triệu bảng Anh, chủ yếu dùng vào thời điểm rất khẩn cấp không xoay sở kịp của chính phủ Anh trong hoạt động thường ngày. Nay, nó được nâng lên mức “không giới hạn”, cho phép các bộ trưởng chi nhiều tiền không cần vay tiền ở thị trường trái phiếu.
Nước Anh hiện tại đang thực hiện một bộ phối hợp (combo) các giải pháp tài trợ chi tiêu chính phủ: một mặt tăng quy mô trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ phát hành ra thị trường quốc tế lên gấp 3 lần, mặt khác BOE đã hứa sẽ bơm 200 tỷ bảng để mua lại TPCP, vừa tạo thanh khoản cho thị trường TPCP, vừa sẵn sàng hấp thụ số trái phiếu mới. Cuối cùng, là nâng tài khoản ứng cứu khẩn cấp lên “không giới hạn”.
Về cơ bản, đây là động thái BOE in tiền cho chính phủ chi tiêu. Vì vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi: BOE đã “vứt” mục tiêu kiểm soát lạm phát qua cửa sổ? BOE cho rằng động thái này là tạm thời, không phải vĩnh viễn, nghĩa là tài khoản của chính phủ ở BOE sẽ được đặt giới hạn lại sau một thời gian ngắn. Việc BOE mua TPCP mới phát hành cũng sẽ có thời hạn.
Cây bút bình luận kinh tế kỳ cựu của Financial Times Martin Wolf đã đặt thẳng câu hỏi: không vĩnh viễn nghĩa là bao lâu? Ngắn hạn nên được hiểu là như thế nào? Ông còn chỉ ra chỉ vài ngày trước đó, tân Thống đốc Andrew Bailey của BOE có bài bình luận trên tờ Financial Times, khẳng định BOE sẽ không thực thi “tài trợ tiền tệ”. Nay ông ta đổi ý, cho rằng do tập trung hỗ trợ nền kinh tế và thị trường việc làm, BOE đã bỏ qua kiểm soát giá cả và lạm phát?
Cần giải pháp phi thường
Cần giải pháp phi thường
Martin Wolf nhắc nhở trường hợp của Nhật Bản: NHTW nước này đã phải giữ lượng lớn TPCP trong thời gian rất dài đến nay vẫn không biết bao giờ kết thúc. Tôi nghĩ ông còn quên nước Mỹ. Bảng cân đối tài sản của NHTW (Fed) đã tăng dựng đứng trong mấy tháng nay. Fed đã nhiều lần nói tới chuyện giảm bảng cân đối tài sản, nhưng nay mới mấy tháng nó tăng nhanh hơn cả thời kỳ khủng hoảng 2008-2009.
Ông Wolf lo sợ nếu những khoản tiền Fed ban phát cho chính phủ bị tiêu xài hoang phí (như đi mua máy bay, xây tượng đài thời dịch bệnh), làm tăng lượng cung tiền quá mức sẽ tạo ra siêu lạm phát. Chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra khi siêu lạm phát xảy ra với nhiều nước như Zimbabwe. Tuy nhiên, ông cũng đồng cảm và cảm thấy tài trợ tiền tệ có được chấp nhận trong những thời điểm đặc biệt như chiến tranh, thiên tai và đại dịch như hiện tại.
Martin Wolf nhận xét: “Trong những thời kỳ phi thường, như chiến tranh, sụp đổ kinh tế kéo dài hoặc đại dịch, NHTW có trách nhiệm hỗ trợ chính phủ để bảo vệ sinh mạng và sức sống người dân. Như một phần cơ thể của nhà nước, NHTW phải làm nghĩa vụ phối hợp hành động. Thí dụ, ổn định giá cả không thể là mục tiêu tối thượng trong mọi tình huống, bởi nhiều thứ khác cũng cần được xem xét”. “Nhiều thứ khác” đó là việc làm, sinh kế và sức khỏe người dân và doanh nghiệp, là nguyên khí của quốc gia. Bảo vệ nguyên khí quốc gia là cấp thiết phải làm ngay lập tức.
Về mặt khuôn khổ lý thuyết, quy mô và thời hạn của những hoạt động tài trợ tiền tệ, hay hoạt động NHTW tài trợ chính phủ chi tiền hỗ trợ kinh tế, quyết định đánh đổi tối ưu về kích thích kinh tế nhưng không gây ra lạm phát cao. Cụ thể bơm tiền bao nhiêu là đủ và kéo dài bao lâu không thể dựa vào những mô hình kinh tế đơn giản đó. Nhưng ít ra, người ta có thể nhận ra khi mà nền kinh tế suy thoái, mặc cho lãi suất thấp, tài trợ tiền tệ sẽ không dễ dẫn đến lạm phát.
Thế nhưng những giải pháp đó cũng không phải là chiếc đũa thần để cứu nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Cùng lắm, nó là máy thở giúp nền kinh tế không chết. Cách trị tận gốc căn bệnh suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra vẫn là tăng sức đề kháng của nền kinh tế. Cụ thể là nâng sức cạnh tranh, dứt khoát cho phá sản các “xác chết” biết đi lỗ ngàn tỷ đồng, nợ chục ngàn tỷ đồng và giảm hàng ngàn văn bản đang nhũng nhiễu và trói chân doanh nghiệp. Đây là thời điểm tốt nhất để sẵn sàng cắt bỏ những cái khối u đó. Thời kỳ phi thường là lúc những giải pháp phi thường có thể được thực thi.