Tiến vào UAE

Với chính sách ngoại thương cởi mở, kiểm soát đơn giản, không có hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khi lại là cửa ngõ thương mại của khu vực Trung Đông, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) đang và sẽ trở thành đối tác không thể bỏ qua của DN Việt Nam.

Với chính sách ngoại thương cởi mở, kiểm soát đơn giản, không có hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khi lại là cửa ngõ thương mại của khu vực Trung Đông, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) đang và sẽ trở thành đối tác không thể bỏ qua của DN Việt Nam.

Liên tục tăng trưởng

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt khoảng 922 triệu USD, tăng tới 82% so với năm 2010. Tiếp đà tăng trưởng này, 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu sang UAE tăng mạnh, các ngành tăng trên 100% gồm điện thoại các loại và linh kiện (đạt 329,5 triệu USD, tăng 292%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (7 triệu USD, tăng 200%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (71,6 triệu USD, tăng 175%); hạt điều (6,4 triệu USD, tăng 113%).

Linh kiện điện tử xuất khẩu 5 tháng đầu năm vào UAE tăng 175%. Ảnh: CAO THĂNG

Linh kiện điện tử xuất khẩu 5 tháng đầu năm vào UAE tăng 175%. Ảnh: CAO THĂNG

Nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao gồm hạt tiêu (38,6 triệu USD, tăng 81%); giày dép các loại (17 triệu USD, tăng 65%); túi xách (3,2 triệu USD, tăng 52%); gỗ và sản phẩm gỗ (4,2 triệu USD, tăng 27%); thủy sản (25,4 triệu USD, tăng 29%).

Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang UAE đạt 700 triệu USD. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong quý III-2012. Nếu tốc độ này được duy trì, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE cả năm có thể đạt khoảng 1,3-1,4 tỷ USD.

Việc xuất khẩu sang UAE liên tục tăng trong thời gian qua không chỉ bởi nhu cầu tiêu thụ của thị trường này lớn mà còn vì UAE hiện đang đóng vai trò là trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới (sau Hồng Công và Singapore), UAE hiện là quốc gia năng động nhất trong hoạt động thương mại, vận tải, dịch vụ cho toàn bộ khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để trung chuyển hàng hóa vào thị trường châu Phi và EU.

Ông Nguyễn Công Hiến, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi-Tây Nam Á (Bộ Công Thương), cho biết khi hàng đã vào UAE DN có thể thoải mái kinh doanh vì không lo phải đóng thuế cho nhà nước.

“Môi trường kinh doanh của Dubai rất thuận lợi, được dựa trên cơ sở không có thuế: không thuế thu nhập DN, không thuế VAT, thuế nhập khẩu cao nhất 5%, trừ một số mặt hàng đặc biệt như rượu, thuốc lá. Thậm chí, một số mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu” - ông Hiến nói.

Cùng với đó, vấn đề kiểm soát hàng hóa tại UAE khá đơn giản. Ngoài một số mặt hàng tươi sống, thực phẩm phải kiểm định (nhưng cũng không quá khó khăn), bên nhập khẩu chính thức chỉ cần có giấy phép nhập khẩu tại nước sở tại, tiến hành kiểm định thực phẩm là xong. Họ không có quota, áp đặt về tiêu chuẩn kỹ thuật một cách nặng nề như nhiều thị trường khác. Đây là điểm rất thuận lợi mà các DN Việt Nam có thể tận dụng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay: “Do không có lợi thế về thủy sản, UAE chỉ có khả năng cung cấp khoảng 25% nhu cầu trong nước, 75% còn lại phải nhập khẩu. Nên những năm gần đây sản phẩm thủy sản Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu thị trường này”.

Cuối năm 2011, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã quyết định giao VASEP tiếp nhận tòa nhà tại khu kinh tế mở Dubai để thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại nông lâm sản và thủy sản tại UAE và thị trường Trung Đông.

Rất nhiều cơ hội để hàng hóa Việt Nam có thể tiến sâu vào UAE song cũng có những thách thức mà DN Việt Nam phải lưu ý khi muốn hàng hóa của mình có độ phủ rộng tại thị trường này.

Lưu ý “bỏ túi”

Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, để xuất khẩu hiệu quả, có chỗ đứng tại thị trường này, DN Việt Nam nên tìm kiếm và hợp tác lâu dài với những đại lý, những nhà phân phối tại quốc gia này, bởi đây mới là con đường nhanh nhất để hàng Việt Nam đến tay người dùng tại UAE. Hiện kênh phân phối hàng Việt qua hệ thống siêu thị tại các quốc gia này đang được xúc tiến mạnh.

Ngoài ra, các DN Việt Nam cần tận dụng tốt hơn lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá cả của mặt hàng thực phẩm, nông sản khi nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm này của UAE hàng năm trên 80% đối với các mặt hàng như gạo, tiêu đen, trà, cà phê, dừa, hạt điều...

Ông Hoàng Đình Toàn, đại diện một DN xuất khẩu tiêu sang UAE, đã chia sẻ những điều tưởng như rất nhỏ nhưng lại rất đáng lưu tâm cho DN khi làm ăn tại UAE. UAE là đất nước Hồi giáo, mọi hoạt động giao tiếp và các nghi thức liên quan đều phải tuân thủ các quy định của đạo Hồi. “Khi chào hỏi, nên đợi đối tác người UAE chào trước. Thông thường chỉ có đàn ông bắt tay nhau. Một số ít đàn ông sẽ bắt tay phụ nữ.

Vì vậy, nếu là nữ doanh nhân nên đợi đối tác là nam giới người bản địa đưa tay ra trước. Theo phong cách truyền thống, nam giới chào bằng cách dùng bàn tay phải nắm tay phải của đối tác, đồng thời đặt bàn tay trái vào vai bên phải của đối tác. Sau khi bắt tay nên nói “kaif halak”.

Tay trái bị coi là không sạch sẽ. Mọi cử chỉ cũng như việc cầm thức ăn đều dùng tay phải… Những điều đó nếu không chú ý sẽ làm mất lòng đối tác UAE”.

Ngoài ra, các DN cũng nên tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại UAE để mở rộng thị trường xuất khẩu của mình. Nên chú ý trong việc kiểm tra thông tin của phía đối tác để tránh bị lừa gạt.

Trong bối cảnh các khu vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam còn đang hết sức khó khăn, việc nắm bắt nhanh những thị trường tiềm năng như UAE rất quan trọng và cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho DN.

Các tin khác