Hữu duyên thiên lý, có lẽ đó là lý do khiến tôi quay lại Tokyo lần thứ hai chỉ trong vòng 1 tháng theo yêu cầu khách hàng. Mải lo cân đối chuyện công việc và gia đình nên tôi chẳng còn mấy hứng thú khi bước lên máy bay, nhất là khi nghe cơ trưởng thông báo thời tiết trên lộ trình bay tương đối ổn định nhưng hành khách nên luôn cài dây an toàn, đề phòng trường hợp máy bay vào vùng không khí nhiễu động.
Thật vậy, cách đây vài hôm Tokyo đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Faxai và khá nhiều chuyến bay bị hoãn. Cũng chỉ mới hôm qua, anh bạn đồng nghiệp người Indonesia nhắn tin cho tôi biết sau khi làm thủ tục hàng không ở sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, Jakarta, anh đã được hãng hàng không yêu cầu về nhà nghỉ ngơi chờ đến khi có thông báo về điều kiện thời tiết và giờ bay mới.
Tác giả chụp ảnh bên bức tượng đồng chú chó Hachiko cạnh nhà ga Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản.
Chuyến bay SQ12 từ Singapore đi Tokyo hạ cánh an toàn đúng theo lịch trình xuống sân bay quốc tế Narita. Thủ tục nhập cảnh cũng không khác lần trước: sau khi xuất trình hộ chiếu tôi được yêu cầu nhìn vào camera chụp ảnh và chìa 2 ngón trỏ lấy dấu vân tay. Tôi không có hành lý ký gởi nên nhanh chóng bước qua khu vực hải quan, nhưng không hiểu sao lần này có vẻ khó khăn hơn.
Anh nhân viên chỉ nói tiếng Nhật và đưa tôi tấm bảng nhỏ khổ A4 ghi tiếng Anh và tiếng Hoa, đại ý nói xin quý khách không cảm thấy phiền hà và hợp tác. Theo đó, tôi phải mở cái vali xách tay cho anh ta xem và cởi cả áo khoác bước qua cổng kiểm tra an ninh.
Theo quan sát chủ quan của tôi, nhân viên cửa khẩu và hải quan của Nhật tại sân bay Narita chắc biết tiếng Anh nhưng chỉ nói tiếng Nhật, bù lại mọi công đoạn thủ tục đều có hướng dẫn bằng tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ thông dụng khác. Phải chăng du khách nước ngoài đến Tokyo có lẽ không cần quá lo lắng vì mọi thông tin đều đầy đủ bằng tiếng Anh?
Nhưng tiếng Anh là mối lo của cả nước Nhật khi Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 sẽ diễn ra vào tháng 7 năm tới. Theo truyền thông phương Tây, người Nhật sử dụng thứ tiếng Anh được gọi là “Japlish”, có thể gây ít nhiều bối rối trong giao tiếp với người nước ngoài. Có lẽ vì lý do đó chính phủ Nhật đã yêu cầu ngành du lịch phải đảm bảo cung cấp và lắp đặt đầy đủ bảng hướng dẫn bằng tiếng Anh cho du khách đến Nhật trong mùa thế vận hội với nội dung rõ ràng dễ hiểu.
Hồi đầu năm nay, Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTA) dành 2 tháng để làm cuộc điều tra trang web của 85 công ty tàu hỏa và xe buýt trên toàn lãnh thổ, cũng như đánh giá mức độ chính xác của các bảng hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài ở các thành phố hay thị trấn Nhật Bản và kết quả là thất vọng.
Một công ty vận chuyển đã dịch chữ “trẻ em” tiếng Nhật thành “dwarfs” (các chú lùn) trong tiếng Anh. Một bảng hướng dẫn tại ga tàu điện Jimbocho nằm ngay trung tâm Tokyo có dòng chữ: “The Toei Shinjuku and Toei Mita Lines can't take it" (có thể tạm hiểu là “Tuyến đường Toei Shinjuky và Toei Mita không đi được”?).
Một bảng hướng dẫn ở khu tham quan có bề dày lịch sử Hakone, nơi trước đây là một nhà tù, thì ghi: "Put off your guilty shoes and come in the prison politely" (“Hãy bỏ giày dép tội lỗi của các bạn ra và bước vào nhà tù một cách lịch sự”). Điều thú vị, nhiều người Nhật không thấy những cái sai trong Japlish, và nhiều bảng hướng dẫn bằng tiếng Anh như vậy đã tồn tại từ hàng chục năm nay.
Một phát hiện khác của tôi trong chuyến đi này là dân Tokyo có rất nhiều người hút thuốc. Nếu so với Singapore dân nghiện chất nicotin ở Nhật sướng hơn, vì có nhiều nơi công cộng kể cả công viên cũng có khu vực cho phép hút thuốc. Từng được mệnh danh là “Tobacco Tengoku” (“Thiên đường cho người hút thuốc”), nước Nhật giờ đây đối đầu trước thách thức biến Tokyo 2020 thành một thế vận hội không có khói thuốc (smoke-free).
Theo nhiều nhà quan sát, đây là thách thức mang tính chính trị, bởi một bên là Tổ chức Y tế Thế giới, Ủy ban Olympic Quốc tế, Thống đốc kiêm Thị trưởng Tokyo là bà Yuriko Koike, Bộ Y tế Nhật Bản và các tổ chức xã hội chống hút thuốc. Còn bên kia là nhiều chính trị gia cao cấp Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe, Tập đoàn Thuốc lá Nhật Bản (JT) và Bộ Tài chính Nhật Bản, thông qua đó Chính phủ vẫn sở hữu 30% JT.
Buổi tối cuối cùng tại Tokyo, anh bạn đồng nghiệp người Indonesia thích thú tiết lộ anh mới quen một “thổ địa” người Nhật tại khách sạn và tìm được chỗ ăn tối có đặc sản bò Kobe với giá mềm chỉ có dân địa phương mới biết. Anh rủ tôi đi cùng nhưng chuyện đi cũng phải tính toán vì nếu đi taxi sẽ rất đắt.
Để tiết kiệm, chúng tôi phải đi bộ từ khách sạn ra ga Shimbashi mất khoảng 10-15 phút, sau đó mất 25 phút đi bằng tàu điện tới ga Shibuya, rồi đi bộ loanh quanh khoảng 10-15 phút nữa. Ở cái tuổi ngấp nghé ngũ tuần, tôi không còn thích cái cảnh “ăn được bữa cỗ chạy ba quãng đồng” nhưng tôi vẫn đồng ý bởi đường đi có dài nhưng chắc chắn sẽ có nhiều điều thú vị. Thật vậy, cạnh ga Shibuya có bức tượng đồng của chú chó Hachiko, với câu chuyện thú vị về lòng trung thành được cả nước Nhật và nhiều du khách nước ngoài ngưỡng mộ.
Với trên dưới 2,5 triệu lượt khách mỗi ngày, ga Shibuya đảm nhận việc vận chuyển một lưu lượng lớn hành khách giữa trung tâm thủ đô với các vùng ngoại ô phía Nam và phía Tây. Có 6 cửa ra chính từ nhà ga này nhưng chúng tôi chọn cửa mang tên Hachico nằm gần bức tượng đồng chú chó Hachiko.
Nhờ anh bạn tôi biết tiếng Nhật nên việc tìm đến địa chỉ đỏ ẩm thực cũng theo đúng hướng dẫn trên bản đồ. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải mất đến 20 phút mới đến nơi và may mắn có cô gái trẻ người Nhật nhiệt tình dẫn đến tận cửa “thiên đường”. Khung cảnh nhà hàng ấm cúng thuần túy Nhật Bản, những món ăn đặc sản ngon miệng và giá cả hợp lý.
Người Nhật ở đâu cũng lịch sự, ăn nói nhỏ nhẹ và chừng mực. Chỉ có điều trong nhà hàng, mấy thanh niên ngồi cạnh bàn chúng tôi sau khi ăn xong thoải mái phì phà khói thuốc. Tôi không rõ chủ nhà hàng “du di” cho khách quen, hay luật pháp ở Nhật cho phép thực khách hút thuốc trong nhà hàng có bật máy điều hòa.
Singapore, tháng 10-2019
Singapore, tháng 10-2019