Tiếp sức bệnh viện dã chiến

(ĐTTCO) - Trong vòng nửa tháng qua, TPHCM đã đưa vào hoạt động nhiều bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, kể cả chuyển đổi công năng chung cư, nhà tái định cư thành bệnh viện. 
Vận chuyển các thiết bị y tế tại Bệnh viện dã chiến số 6. Ảnh: MINH NGHĨA
Vận chuyển các thiết bị y tế tại Bệnh viện dã chiến số 6. Ảnh: MINH NGHĨA
Hiện TPHCM sẵn sàng phương án 50.000 giường để tiếp nhận, điều trị ca mắc Covid-19. Để hỗ trợ những bệnh viện dã chiến, trong những ngày qua, các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. 
Chuyển chung cư thành bệnh viện 
Các lô chung cư R1, R2, R3 thuộc khu tái định cư phường An Khánh (TP Thủ Đức) vừa được TPHCM trưng dụng thành Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6, 7, 8, 9, với quy mô hơn 18.000 giường. Tại khu vực Bệnh viện dã chiến số 6, hàng chục nhân viên y tế, quân đội, dân quân tự vệ được điều động khẩn trương triển khai các công tác cải tạo, sửa chữa, dọn dẹp để chuyển công năng chung cư thành nơi điều trị.
Hàng chục chuyến xe tải chở các vật tư như khẩu trang, nước khử khuẩn, đồ bảo hộ, máy đo thân nhiệt, máy thở ôxy, thiết bị y tế… liên tục ra vào để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm các hạng mục. Nhân viên nhà mạng cũng tốc lực lắp đặt hệ thống đường truyền Internet trong bệnh viện. Đường ống dẫn nước, điện, nơi nghỉ ngơi cho lực lượng dân quân tự vệ cũng đang được gấp rút hoàn thiện. 
Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6, cho biết, hiện tại đã đưa bệnh nhân F0 vào cách ly tại một số tầng, nhân viên y tế liên tục hoạt động để cung cấp các nhu yếu phẩm đến bệnh nhân.“Cường độ làm việc cao, thời gian gấp rút, chúng tôi ai cũng rất đuối, nhưng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Hoàng nói.
Theo bác sĩ Phan Minh Hoàng, các đơn vị phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 6 gồm Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, với tổng nhân lực là 225 người, và dự kiến sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới để tiếp nhận 6.000 trường hợp F0. 
Trước đó, khu tái định cư thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng đã được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Hàng trăm nhân viên y tế đang căng mình ngày đêm để chăm sóc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, có người đã hơn 3 tuần nay chưa về thăm nhà. Vốn dĩ khu tái định cư nhiều năm không sử dụng, nay chuyển thành bệnh viện nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu thốn.
Nhưng bằng sự quyết tâm của các cấp, bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận hơn 1.800 người bệnh. “Chúng tôi được điều động từ các bệnh viện trong thành phố đến đây với một phương châm duy nhất là cứu sống người bệnh, ngăn chặn dịch. Trong quá trình đó, không ai nề hà gian khó cả”, một bác sĩ của bệnh viện tâm sự. 
Cần được tiếp sức 
Không chỉ “gồng mình” chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các y bác sĩ, bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến hiện vẫn đang thiếu thốn trăm bề, từ điện, nước sinh hoạt, trang thiết bị, thuốc men đến nhân lực. Khu chung cư tại Bệnh viện dã chiến số 4 (Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) không có thang máy nên có lúc y bác sĩ phải cõng bệnh nhân lớn tuổi lên các tầng cao. Giường bệnh tại các bệnh viện cũng chưa đủ nên người bệnh lẫn nhân viên y tế phải sử dụng ghế bố để điều trị và nằm nghỉ ngơi. 
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, phụ trách Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (chung cư tái định cư tại phường Tân Thới Nhất, quận 12), cho biết, hơn 200 nhân sự vận hành bệnh viện được huy động từ các cơ sở y tế trong TPHCM. Sau hơn 1 tuần đi vào hoạt động, công suất điều trị tại đây đã đạt xấp xỉ 2.500 giường. “Y bác sĩ, điều kiện hạn chế, áp lực rất lớn, cường độ làm việc căng, nhưng chúng tôi quyết tâm khắc phục khó khăn, đảm bảo công tác điều trị người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng cho biết.
Tiếp sức bệnh viện dã chiến ảnh 1 Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 - Bình Chánh 
khử khuẩn bao bì đựng cơm trước khi chuyển lên cho người điều trị
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Còn bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức), cho biết: “Công suất bệnh viện 3.000 giường với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đến từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Bưu Điện, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ngay khi tiếp nhận ngày 6-7, cơ sở vất chất không có gì, các căn phòng đều trống trơn. Nhưng với tinh thần tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, chúng tôi hợp đồng tác chiến chặt chẽ ngay với ban quản lý chung cư, chính quyền địa phương, công an và quân sự gấp rút chuẩn bị từ những thứ nhỏ nhất như kem đánh răng, bàn chải đến giường, gối, đệm…”, bác sĩ Trần Văn Khanh nói.
Gần 1 tuần đưa vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 3 đã vận hành trên 2/3 công suất, thế nhưng đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hậu cần chưa được bổ sung thêm, trong khi để đáp ứng nhu cầu điều trị cần có 250 - 300 nhân viên y tế và 100 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ công tác hậu cần. 
Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của dịch Covid-19, việc phải mở rộng các bệnh viện dã chiến là chẳng đặng đừng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các bệnh viện dã chiến đang “gồng mình” ngày đêm trong sự thiếu thốn, quá tải. Do vậy, ngoài ngành y tế, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc của các ngành, các đơn vị, đặc biệt là thêm sự tiếp sức từ lực lượng công an, quân đội và sự chung tay của toàn xã hội, sàng lọc ca bệnh kỹ càng trước khi chuyển về bệnh viện dã chiến, khắc phục nhanh chóng những hạn chế về cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị như giường, nệm, vật tư tiêu hao…
Mặt khác, Bộ Y tế cần có chỉ đạo bổ sung nhân viên y tế cho các bệnh viện dã chiến, huy động hệ thống y tế tư nhân vào cuộc. Và hơn hết là ý thức của người bệnh, cần nghiêm túc phòng chống dịch, có thái độ và tinh thần hợp tác khi được chuyển đến bệnh viện.
 Tính đến nay, ngoài 19 bệnh viện dã chiến đã và đang chuẩn bị hoạt động, TPHCM đang thiết lập thêm 5 bệnh viện nữa. Cả 24 bệnh viện này có công suất 44.890 giường. Trước áp lực về lượng bệnh nhân mắc Covid-19 gia tăng, việc triển khai một loạt bệnh viện dã chiến mới sẽ tăng tính chủ động của TPHCM đối với giai đoạn mang tính quyết định của cuộc chiến 
chống dịch Covid-19.

Các tin khác