Theo bà Bùi Thúy Hằng, trong 11 tháng của năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,4%. Lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,66%/năm.
Đồng thời, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23-1-2020 đến cuối tháng 10-2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng. Tính đến ngày 25-11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cũng đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá, thị trường tiền tệ dồi dào trong 11 tháng qua, đã tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm nội địa là 200% nên chịu áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu. Thời gian qua lạm phát thế giới có xu hướng tăng nhanh khi nhiều quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, do đó, áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhìn từ tác động bên ngoài vào là có.
Với rủi ro lạm phát năm 2021, bà Hằng cho rằng, việc tiếp tục hạ lãi suất huy động thời gian tới thực sự không khả thi, có thể gây xáo trộn lớn cho nguồn vốn, ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống. Ở góc độ lãi suất thị trường hiện nay, NHNN cũng quan ngại về an toàn hệ thống nên việc điều hành lãi suất thời gian tới phải đảm bảo hài hòa.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định, Việt Nam đã sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách tiền tệ và đến ngưỡng phải cân nhắc về sự an toàn. Ngân hàng là lĩnh vực nhảy cảm, nếu tiếp tục gây áp lực sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Khuyến nghị của ADB là chính sách tài khóa sẽ là trụ cột chính, bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.
Hiện các chính sách tài khóa của Việt Nam mới hỗ trợ khoảng 2% GDP, là mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Việt Nam còn có dư địa để tăng lên nhưng nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả, thì số lượng lớn cũng không có ý nghĩa nhiều.