Techcombank vừa tăng lãi suất huy động VNĐ từ 0,1 - 0,2%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 tháng lên 2,4%/năm, 3 tháng lên 2,6%/năm, 6 tháng lên 3,8%/năm.
Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất trong tháng 5, tăng 0,1 - 0,2 %/năm cho hình thức gửi tại quầy và tiết kiệm online. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5%/năm. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng tăng 0,1%, tương ứng các mức lãi suất 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 36 tháng đang ở mức 6,7%/năm, trước đó chỉ 6,5%/năm.
Từ ngày 27-5, lãi suất huy động của SHB tăng thêm từ 0,1-0,3% so với trước đó, taoaj trung ở các kỳ hạn dài như 12 tháng lên 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm…
TPBank không điều chỉnh biểu lãi suất nhưng bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm % so với mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Trong khi đó, trên thị trường liên NH, lãi suất đã liên tục được điều chỉnh tăng từ tháng 4 đến nay. Sau khi duy trì ở mức dưới 0,5%, lãi suất liên NH liên tục tăng từ tháng 4 đến nay đã vượt mốc 1%/năm. Cụ thể, trong 2 tháng qua, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng từ mức 0,26%/năm lên 1,35%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng từ mức 0,41%/năm lên 1,49%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng từ mức 0,43%/năm lên 1,59%/năm.
Theo CTCP Chứng khán Bảo Việt (BVSC) tính tới thời điểm hiện tại, lãi suất liên NH của cả 3 loại kỳ hạn qua đêm, 1 tháng và 2 tháng trên đều đã cao hơn mức trung bình của năm 2020 (trong khoảng 0,84%-1,14%/năm).
BVSC cho biết, thời điểm tháng 5-2020, khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên trong năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, cũng là thời điểm lãi suất rời khỏi mốc 2 và giảm xuống mặt bằng thấp dưới 1% trong phần còn lại của năm. Trong hệ thống NH từ tháng 4-2020 đến tháng 5-2020, tổng huy động vốn tăng từ 0,07% lên 2,32%, tăng mạnh hơn nhiều so với tín dụng. Dư nợ tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng từ 1,41% lên 2%. Huy động vốn có mức tăng cao hơn so với cầu tín dụng do nỗi lo của người dân khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, dẫn đến xu hướng gửi tiền vào hệ thống NH, qua đó giúp thanh khoản dồi dào và phần nào khiến cho lãi suất giảm.
Ngược lại, trong năm nay, tính tới ngày 19-3, trong khi tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54%, tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,41% và tiếp tục tăng mạnh lên mức 3,34% tại ngày 16-4.
BVSC nhận định, cầu tín dụng tăng mạnh hơn có thể đã khiến thanh khoản của thị trường liên NH giảm trong thời gian qua và nhiều khả năng thúc đẩy lãi suất tăng lên trong các tuần gần đây.
Từ hai diễn biến trên có thể thấy, thanh khoản của hệ thống NH đã bớt dư thừa hơn trước, nhu cầu huy động vốn của các nhà băng tăng lên. Trước đó, nhiều dự báo cho rằng từ quý II-2021, lãi suất huy động sẽ tăng trở lại.