Tiếp tục thua lỗ trong quý III, Vietnam Airlines lại đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

(ĐTTCO) - Thị trường hàng không hồi phục giúp Vietnam Airlines đạt doanh thu gấp 4 lần cùng kỳ, nhưng mức tăng mạnh này chỉ đến nhờ việc so sánh với nền thấp của năm ngoái. Đây là nguyên nhân khiến HVN đối mặt nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc trên HoSE.
Tiếp tục thua lỗ trong quý III, Vietnam Airlines lại đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III-2022 của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã CK HVN), dù ghi nhận được những con số tích cực nhưng doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận quý kinh doanh khó khăn.

Cụ thể, lãi gộp đạt 165 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, song các khoản chi phí trong kỳ tăng mạnh (chủ yếu từ lỗ chênh lệch tỷ giá) đã khiến Vietnam Airlines tiếp tục báo lỗ ròng 2.600 tỷ đồng trong kỳ.

Giải trình về nguyên nhân này, đại diện Vietnam Airlines cho rằng thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022.

Đáng chú ý, BCTC quý III cũng ghi nhận một yếu tố đáng báo động về thanh khoản ngắn hạn của Vietnam Airlines. Cụ thể, ở thời điểm cuối tháng 9, Vietnam Airlines nắm giữ gần 3.800 tỷ đồng tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Trong khi đó ở bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn tăng lên hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 14.500 tỷ đồng.

Theo BCTC quý III, tại thời điểm cuối quý III, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 7.500 tỷ đồng và lỗ luỹ kế 31.500 tỷ đồng.

Như vậy, nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc trên HoSE của HVN ngày càng lớn. Đầu tháng 9, HoSE cũng đã lưu ý đến khả năng hủy niêm yết CP HVN. Lý do được phía HoSE đưa ra là lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 5.167 tỷ đồng. Ngoài ra, số lỗ lũy kế đơn vị này là hơn 28.904 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.

Trước đó, HoSE công bố giữ nguyên diện kiểm soát đối với HVN do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng căn cứ theo BCTC quý I-2022 và thua lỗ trong 2 năm gần nhất.

HVN hiện đang niêm yết hơn 2,2 tỷ CP với tham chiếu chỉ hơn 10.000 đồng, giảm gần 60% so với mức giá hơn 23.000 đồng ở thời điểm đầu năm 2022.

Điều đáng nói là dù hiệu quả hoạt động không được cải thiện nhiều nhưng Vietnam Airlines lại khá “hào phóng” trong việc chi trả lương cho cán bộ lãnh đạo. Theo BCTC quý III, trong 9 tháng đầu năm, hãng hàng không này đã chi gần 6,4 tỷ đồng để trả lương cho Ban lãnh đạo và HĐQT (tăng 78% so với cùng kỳ năm trước).

Cụ thể, người nhận lương cao nhất là Tổng giám đốc Lê Hồng Hà với mức lương khoảng 75 triệu đồng/tháng (tăng gần 30 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Tương tự, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà nhận mức lương gần 66 triệu đồng/tháng (tăng 41%).

3 Phó Tổng giám đốc là ông Trịnh Ngọc Thành, Trịnh Hồng Quang và Nguyễn Chiến Thắng, mỗi người nhận lương hơn 62 triệu đồng/tháng (tăng 55%). Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cũng nhận mức lương 62 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Thiên Kim, Trưởng Ban kiểm soát nhận gần 55 triệu đồng/tháng (tăng 38%).

Các tin khác