Năm 2022, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của khối ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm, bằng năm 2021. Tuy nhiên, Trường ĐH Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) công bố điểm sàn xét tuyển 6 ngành sư phạm (Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) có mức điểm cao kỷ lục là 28,5 điểm, trở thành trường có mức điểm sàn ngành sư phạm cao nhất cả nước năm 2022.
Với mức điểm sàn này, nếu không có điểm cộng, thí sinh đạt 9,5 điểm/môn mới đủ điều kiện đăng ký nguyện vọng vào 6 ngành sư phạm của trường. Theo lý giải của nhà trường, sở dĩ điểm sàn 6 ngành sư phạm nói trên lên đến 28,5 điểm là do chỉ tiêu tuyển sinh 6 ngành sư phạm của trường năm nay được điều chỉnh giảm, cụ thể như: ngành sư phạm Toán học cắt giảm từ 130 chỉ tiêu xuống còn 18, ngành sư phạm Hóa học từ 70 chỉ tiêu xuống còn 8 chỉ tiêu…
Thực tế cho thấy, cách lý giải trên của Trường ĐH Quy Nhơn là chưa hợp về cả tình lẫn lý. Về lý, việc xác định chỉ tiêu cho năm 2022 được lên kế hoạch từ đầu năm. Riêng ngành sư phạm phải căn cứ trên nhu cầu nhân lực của địa phương rồi đưa ra mức chỉ tiêu phù hợp để tuyển sinh. Điều này cho thấy, trường đã quá chủ quan và ôm đồm khi xác định chỉ tiêu quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Về tình, từ tháng 4, thí sinh đã làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển đại học.
Sau khi thi, từ ngày 22-7 đến 20-8, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng và trong thời gian này trường lại thông báo điều chỉnh chỉ tiêu với mức điểm sàn cao chót vót. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng với mức điểm sàn quá cao, khả năng 6 ngành sư phạm trên của Trường ĐH Quy Nhơn sẽ chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Khi đó, trường sẽ dừng đào tạo và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh trúng tuyển.
Trường hợp của Trường ĐH Quy Nhơn cũng giống như nhiều trường ĐH cách đây 3 năm. Năm 2019, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, Trường ĐH Đồng Nai đã nâng điểm chuẩn để... ngăn thí sinh trúng tuyển với lý do nếu chỉ vài thí sinh trúng tuyển thì trường không mở lớp, tổ chức đào tạo.
Thế nhưng, không thể vì bất cứ lý do gì để nâng điểm sàn, điểm chuẩn nhằm đánh rớt thí sinh! Thiết nghĩ, với ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT nên quyết định giao chỉ tiêu sớm hơn cho các trường công bố để thí sinh có sự tính toán và cân nhắc từ khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Đừng để đến khi thí sinh đã đăng ký rồi mới quyết định giao chỉ tiêu sẽ làm ảnh hưởng đến nguyện vọng và lựa chọn ngành nghề của thí sinh.