Trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn tồn tại các DN buộc phải tìm cách lách vào các “ngách” hẹp để tự cứu trước khi mong chờ vào những chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Rẻ nhưng không “ôi”
Gần 4 tháng nay, Công ty Đồ gỗ nội thất Phú Vinh (quận Thủ Đức, TPHCM) vốn sản xuất những sản phẩm cao cấp phân phối cho thị trường TPHCM và vài tỉnh lân cận, đã phải song song sản xuất những mặt hàng bình dân hơn, bởi sức tiêu thụ các sản phẩm cao cấp những tháng đầu năm sụt giảm quá mạnh.
![]() |
Sản xuất đồ gỗ tại CTCP Gỗ Đức Thành. Ảnh: CAO THĂNG |
Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Những sản phẩm mới của chúng tôi đang được thị trường đón nhận nhiều hơn vì giá thành rẻ, cũng là giải pháp để lấy ngắn nuôi dài”. Nhưng của rẻ thường bị cho là của ôi?
Lý giải về điều này ông Vinh cho hay, về nguyên liệu tất nhiên không thể tốt nhất nhưng chấp nhận được. Thêm vào đó, để giảm giá thành, các chi tiết cầu kỳ trong sản phẩm được tiết giảm bớt nhưng về mẫu mã vẫn phải đa dạng phong phú. Thực ra việc chú trọng vào mẫu mã là để tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá và cạnh tranh với những sản phẩm phân khúc trung bình nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chuyển hướng sang những sản phẩm có giá thành rẻ hơn cũng là con đường mà nhiều DN sản xuất đang đi theo.
“Trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, khuyến mại chỉ là một cách để giải phóng hàng tồn. Còn chuyển hướng sản xuất mới là cách giải cứu DN” - ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, nói.
DN của ông cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong thời điểm này khi hàng sản xuất ra không tìm được chỗ tiêu thụ. Để tìm cách tháo gỡ, ngoài việc mua chỉ sơ dừa về xuất khẩu (xuất nguyên liệu, một việc làm cũng rất bấp bênh), ông Hùng đang tính đến việc thêm công năng cho sản phẩm của mình.
Trước đây, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ dừa của Kim Bôi phần lớn chỉ để trang trí, nay phải thêm công năng cho sản phẩm để hướng tới phân khúc khách hàng thích loại sản phẩm từ dừa và đặc biệt giá thành phải luôn hợp lý.
Sản xuất những sản phẩm giá rẻ nhưng vẫn có tính độc đáo theo nhu cầu của một phân khúc thị trường nào đó, có thể coi các DN đang tìm đến thị trường ngách (thị trường nhỏ mà nhu cầu lớn) hơn là vẫy vùng ở một thị trường lớn quá hớp. Tuy nhiên, để có thể tìm đến nhiều thị trường ngách hơn, không ít DN đã tính đến thị trường ngách trong xuất khẩu.
Ngách xuất khẩu
Việc tìm kiếm thị trường ngách khi xuất khẩu hàng hóa đã được nói đến khá nhiều bởi hàng Việt Nam ở phân khúc nào cũng có những đối thủ đáng gờm. Đặc biệt, trong bối cảnh những thị trường chính là Hoa Kỳ và châu Âu đang gặp khủng hoảng kinh tế, việc tìm kiếm thị trường ngách là hết sức cần thiết.
Có 2 cách tìm thị trường ngách xuất khẩu hiện đang được nhiều DN áp dụng. Thứ nhất, tìm thị trường ngách ngay trong chính những thị trường truyền thống vì “trong mọi trường hợp nhu cầu hàng hóa, tiêu dùng luôn có. Quan trọng là mình làm ra được những sản phẩm người ta cần” - chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến chia sẻ.
Hiện nay, song song với việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu truyền thống nhiều DN da giày đã nắm bắt cơ hội, đầu tư mở xưởng sản xuất túi xách cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Như CTCP Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình (TBS), một DN sản xuất giày khá lớn của Việt Nam, vừa hợp tác với hãng túi xách Coach.
Trong năm 2011, TBS đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng nhà xưởng may và xuất khẩu túi xách sang thị trường Hoa Kỳ. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, năm 2012 dự kiến ngành túi xách có tốc độ xuất khẩu tăng nhanh hơn so với ngành giày, dự kiến tăng khoảng 15%.
Cách thứ 2 đang được nhiều DN đi theo là tìm đến những thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, châu Á… Tuy nhiên, châu Á là thị trường được DN quan tâm hơn cả do vị trí địa lý gần. Châu Phi cũng là thị trường tiềm năng chờ khai phá, nhưng địa lý cách trở nên giá cước vận tải, ít hiểu biết về đối tác là những trở ngại cho nhiều DN.
Hiện cùng xuất đi các nước nhưng cước vận tải 1 container của Việt Nam đắt hơn Trung Quốc hơn 20%. Một lưu ý đáng quan tâm cho các DN khi tìm kiếm thị trường mới là các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang đẩy mạnh ký kết, theo đó thuế suất hàng hóa vào các nước thấp hơn, nhiều ưu đãi khi cam kết bắt đầu có hiệu lực.
Chẳng hạn, Hàn Quốc đang là một trong những nước ở khu vực châu Á được nhiều DN xuất khẩu Việt Nam hướng tới. Đây cũng được xem là thị trường xuất khẩu hiếm hoi mà các DN tận dụng được những ưu đãi. Cụ thể, trong năm 2011 tỷ lệ tận dụng cao nhất là FTA ASEAN - Hàn Quốc với hơn 90%.