Thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các NHTM thực hiện cơ cấu, gia hạn nợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thực tế, đây là hoạt động bình thường của NHTM từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều NHTM tỏ ra không mặn mà với việc này, dù biết rằng doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ từ NH.
NH lo trách nhiệm
Các NHTM cho rằng NHNN chỉ kêu gọi cần có chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ, nhưng ghi chung chung chứ không có hướng dẫn cụ thể. Thí dụ, doanh nghiệp đang nợ quá hạn bị lãi phạt, NHNN chưa có hướng dẫn về giảm nợ quá hạn bỏ lãi phạt.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp bị lãi phạt hàng tỷ đồng/tháng nên NH không bỏ được. Một lãnh đạo NHTM cho rằng hiện nay khách hàng tiền gửi đến hạn rút tiền, NH không thể không giải quyết. Còn khi cho vay chủ yếu là dài hạn, nếu doanh nghiệp nào cũng muốn miễn lãi phạt hay giảm lãi ngay sẽ rất khó cho NH.
![]() |
Nếu cơ cấu nợ không hiệu quả, thiệt hại và rủi ro |
Theo một lãnh đạo Eximbank, NHNN cho phép các NHTM cơ cấu lại nợ không chuyển nhóm nợ. Điều này giúp NHTM không phát sinh nợ xấu, cổ đông không phải lo việc chấp nhận bớt lãi hàng trăm tỷ đồng để cơ cấu nợ, đặc biệt NH không phải tái cơ cấu nợ bằng cách đảo nợ để gây khó thêm cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang nợ quá hạn, muốn cơ cấu nợ phải cho vay món mới với chu kỳ mới, theo đó phải làm hồ sơ mới, đảo mục đích sử dụng vốn. Giả sử sau này doanh nghiệp phá sản, nhân viên làm hồ sơ giãn nợ sẽ chịu trách nhiệm. Chưa kể, trước khi đề nghị gia hạn nợ tài sản bảo đảm của doanh nghiệp phải đủ, nhưng khi định giá lại tài sản đảm bảo (bất động sản, máy móc thiết bị, hàng hóa…) của món vay cũ bị giảm giá, mức tín dụng phải giảm theo so với món vay trước. Ông PHẠM THIỆN LONG, |
Nhưng thực tế các NHTM cũng không thể lạm dụng điều này. Bởi nếu bỏ tiền ra để cơ cấu nợ nhằm biến doanh nghiệp bệnh thành khỏe không hiệu quả, thiệt hại và rủi ro cho NH trong tương lai càng lớn hơn.
Tìm hiểu của ĐTTC tại hầu hết NHTM lớn thuộc nhóm G14+1, lãnh đạo các NH này cho biết đang lên danh sách các khoản nợ có thể cơ cấu của doanh nghiệp để xem xét. Tuy nhiên, số khoản nợ được cơ cấu không nhiều. Thậm chí có NH từ đầu năm đến nay chưa cơ cấu, gia hạn nợ cho khách hàng nào.
Trước đó, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng không phải tất cả các khoản nợ của các doanh nghiệp đều được cơ cấu lại, mà chỉ với các doanh nghiệp có khó khăn tạm thời, phương án sản xuất, kinh doanh tốt, có khả năng khắc phục được những khó khăn.
Cụ thể, các NHTM sẽ phải thẩm định lại khả năng hoạt động, khả năng thu hồi vốn, sinh lời của dự án… Và qua cuộc “sàng lọc” này, thực tế rất ít doanh nghiệp đạt được yêu cầu để được cơ cấu, gia hạn nợ và cho vay món mới.
Doanh nghiệp tự cứu?
Theo nhiều chuyên gia NH, việc các NH ngại cơ cấu nợ vì sợ trách nhiệm là điều không khó hiểu, chỉ có khi nào NH thành lập công ty mua bán nợ, theo đó Nhà nước đứng ra mua nợ xấu, khoanh nợ quá hạn, khi đó các NHTM mới dám mạnh dạn cơ cấu, gia hạn nợ. Tuy nhiên, nhiều NHTM cho biết nếu chờ NHNN thành lập công ty mua bán nợ thì thời gian sẽ kéo dài, trong khi nợ quá hạn cần giải quyết nhanh.
Trong việc cơ cấu nợ, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động trong tương lai. Không nên vì phải tối đa hóa việc thu hồi nợ trong thời gian ngắn nhất mà yêu cầu khách hàng vay phải hy sinh tất cả nguồn lực cũng như khả năng hoạt động kinh doanh trong tương lai của họ. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi nhằm tạo ra các nguồn vốn, tăng thu, giảm chi, tập trung vào những mặt mạnh, từ đó mới có thể tồn tại, phát triển và tăng khả năng trả nợ. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, |
Tại nhiều quốc gia khi thành lập công ty mua bán nợ, Nhà nước đứng ra sở hữu hóa, còn ở nước ta do nguồn ngân sách để xử lý nợ có hạn, NHNN sẽ phải cân nhắc kỹ, đánh giá xác định tài sản còn lại của doanh nghiệp. Điều này có thể bị hạn chế trong quá trình xử lý nợ.
Theo một lãnh đạo NH cổ phần, trong khi chờ đợi NHNN thành lập công ty xử lý nợ, hiện tại có một số giải pháp để các NHTM cứu doanh nghiệp, cũng như tự cứu mình.
Thứ nhất, NH cho vay vốn doanh nghiệp nợ quá hạn nhưng sẽ xem xét tài sản của doanh nghiệp và mua lại để cấn trừ nợ. Giải pháp này có hạn chế vì NH cũng bị khống chế tỷ lệ nhất định trong việc đầu tư, mua tài sản.
Thứ hai, nếu doanh nghiệp tốt, NH có thể xem xét chuyển đổi món nợ quá hạn thành cổ phần cho NH. Sau đó NH cho phép 1-2 năm sau doanh nghiệp có thể mua lại cổ phần cộng với lãi suất. Đó cũng là điều kiện để doanh nghiệp chuyển bớt nợ quá hạn.
Thứ ba, đối với doanh nghiệp tốt, NH chấp nhận cơ cấu lại nợ, đồng thời cho vay thêm để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất. Nhưng trường hợp này chỉ với doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Thứ tư, một số NHTM có công ty mua bán nợ sẽ bán “cục nợ” xấu qua công ty mua bán nợ. Khoản nợ xấu ấy sẽ “treo” ở công ty mua bán nợ và chưa biết 5-10 năm nữa có giải quyết được hay không, nhưng trước mắt NH có thể làm sạch được bảng cân đối tài sản.
Thứ năm, các NHTM có thể bắt tay cùng xử lý nợ xấu theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Thí dụ NH A có khách hàng A1 nợ quá hạn. NH B sẽ cho khách hàng A1 vay nợ để trả NH A.
Đồng thời NH A sẽ cho khách hàng B1 có nợ quá hạn ở NH B vay vốn để trả nợ cho NH B. Trước mắt cả 2 đều xử lý được nợ xấu, nhưng cả 2 NH cam kết với nhau sau một thời gian sẽ bán ngược lại nợ thông qua hỗ trợ vốn để giải quyết nợ cho nhau trên liên NH. Theo vị lãnh đạo này, hình thức này đang được các NHTM áp dụng.