Xuất khẩu suy giảm
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam chỉ đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản thì Trung Quốc, vốn là thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.
Nguyên nhân là do từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc tăng cường truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Bên cạnh cung cầu đối với một số mặt hàng suy giảm thì việc gia tăng hàng rào kỹ thuật đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của chúng ta sang thị trường Trung Quốc.
Điểm thuận lợi là Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Nếu đáp ứng tốt các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm thì Trung Quốc là thị trường có nhiều “dư địa” cho hàng nông sản Việt Nam.
Nhìn nhận lại để làm ăn bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Nhưng việc xuất khẩu hàng nông thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc cần có định hướng đúng, tìm cách giải quyết những vướng mắc để đảm bảo có sự hài hòa trong quan hệ song phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, xuất khẩu nông thủy sản của chúng ta sang Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào thương mại tiểu ngạch, chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa Trung Quốc. Nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững...
Còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, thời gian qua, Trung Quốc đã chuyển hình thức thương mại từ chỗ tổng hợp nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành một hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch (từ 1-6-2019). Đây là thay đổi chính đáng vì người dân ở đâu cũng có nhu cầu về chất lượng ngày càng cao của sản phẩm nhập khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết thêm, Trung Quốc cũng có sự thay đổi cơ quan quản lý, các năm trước là nhiều cục vụ tham gia, năm nay chỉ dồn Tổng cục Hải quan. Nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp, chúng ta sẽ lúng túng. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung cho nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp. Vì thế, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của ta có kim ngạch xuất khẩu giảm, gặp khó khăn.
“Nếu không nhận dạng được những thay đổi này thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời điểm này, chúng ta không thể chậm trễ được nữa vì Trung Quốc sẽ ngày càng đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…
Nhận định thị trường Trung Quốc vẫn sẽ có nhu cầu lớn về các mặt hàng chủ lực của ta như gạo, cao su, thủy sản, nông sản chế biến… thông qua giao thương chính ngạch, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương sẽ phối hợp, bàn bạc, làm kỹ hơn, từ báo cáo đến thực tiễn để đối chiếu chính sách, những yêu cầu liên quan, từ đó xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu bền vững, tạo thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp.