(ĐTTCO)-Qua thực tiễn áp dụng, quy định quản lý, sử dụng vỉa hè hiện hành (theo Quyết định 74/2008 ngày 23-10-2008 của UBND TPHCM) bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là chưa bao quát hết các hoạt động ngoài giao thông trên vỉa hè, chưa xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương… Các hạn chế, bất cập này cần được nhận diện, rút tỉa để bổ sung, hoàn thiện cho các quy định mới.
LTS: TPHCM đang hoàn thiện dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74/2008 của UBND TP về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Bất cập của quy định hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tồn tại dai dẳng. Vấn đề đặt ra là cần những điều chỉnh, bổ sung gì để khắc phục những hạn chế hiện nay, góp phần thiết lập trật tự, mỹ quan trên vỉa hè, dưới lòng đường?
Qua thực tiễn áp dụng, quy định quản lý, sử dụng vỉa hè hiện hành (theo Quyết định 74/2008 ngày 23-10-2008 của UBND TPHCM) bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là chưa bao quát hết các hoạt động ngoài giao thông trên vỉa hè, chưa xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương… Các hạn chế, bất cập này cần được nhận diện, rút tỉa để bổ sung, hoàn thiện cho các quy định mới.
Nhận diện bất cập
Hiện nay, trong quản lý trật tự vỉa hè, nhiều địa phương đã kẻ vạch, xác định ranh giới phần vỉa hè được sử dụng để giữ xe, kinh doanh và phần dành cho người đi bộ. Theo UBND quận 1, việc kẻ vạch đã hỗ trợ nhiều cho lực lượng chức năng trong việc chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường và cũng để các hộ kinh doanh xác định rõ giới hạn được phép sử dụng vỉa hè. Do đó, khi lực lượng chức năng phát hiện lấn vạch và xử phạt về hành vi lấn chiếm thì không xảy ra khiếu kiện.
Đại diện nhiều quận huyện nhận xét, trong Quyết định 74 có quy định cho phép người dân được sử dụng tạm vỉa hè vào kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, giữ xe. Song, quy định chưa nêu chi tiết điều kiện hè phố được tổ chức các hoạt động trông, giữ xe, kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa…
Mặt khác, mức phí sử dụng vỉa hè cũng như trách nhiệm sửa chữa nếu quá trình sử dụng gây hư hỏng cho vỉa hè chưa được cụ thể hóa. Điều này gây lúng túng cho các địa phương. Về vấn đề này, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, phân tích, Quyết định 74 chưa phân cấp cho UBND cấp quận huyện chủ động xác định mục đích sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông trên từng tuyến đường. Trong khi đó, rất nhiều hoạt động hiện hữu trên vỉa hè lại không được quy định cụ thể, khiến các địa phương lúng túng ở khâu xử lý.
Để có các quy định mới phù hợp, khắc phục các bất cập hiện hữu, Sở GTVT TPHCM đang lấy ý kiến hoàn chỉnh dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74. Trong dự thảo nêu khá đầy đủ các hoạt động thực tế hiện nay trên vỉa hè, bao gồm hoạt động tổ chức đám cưới, đám tang; trông giữ xe (có phí hoặc tự quản); để xe 2 bánh công cộng không thu phí; kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa… Điều kiện tiên quyết được sử dụng tạm một phần vỉa hè là phải đảm bảo bề rộng vỉa hè còn lại ít nhất là 1,5m cho người đi bộ.
Là cơ quan thẩm định dự thảo nghị quyết, Sở Tư pháp TPHCM đề nghị không quy định hoạt động sử dụng vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa hoặc để xe 2 bánh tự quản. Tuy nhiên, Sở GTVT TP phân tích, do đặc thù văn hóa truyền thống của người dân thì nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh, mua bán hàng hóa là phổ biến.
Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ cho phép UBND cấp tỉnh được quy định việc sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông mà không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, Sở GTVT TP tiếp tục đề xuất dự thảo quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa trên vỉa hè (có bề rộng trên 3m).
Xác định rõ trách nhiệm
Ông Trương Thái Tân, Chủ tịch UBND phường 11 (quận Gò Vấp), phân tích, Quyết định 74 đã qua 12 năm thực hiện có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế. Dự thảo quyết định thay thế có nhiều điểm mới, như quy định rõ ràng những công năng sử dụng ngoài mục đích giao thông và phân cấp, phân quyền quản lý trong cấp phép, quản lý, sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè…
“Dự thảo mới nếu được thông qua sẽ giúp chính quyền địa phương, nhất là cấp phường xã quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn một cách hiệu quả”, ông Trương Thái Tân nhận xét.
Phân tích thêm, ông Nguyễn Minh Việt, Chủ tịch UBND phường 2 (quận Tân Bình), cho rằng, dự thảo quyết định mới có khuyến khích các hình thức xã hội hóa việc phát triển, đầu tư, khai thác sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè cho các mục đích ngoài giao thông. Điều này là phù hợp tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Một chủ tịch phường ở quận 4 cũng đồng tình với việc cho phép người dân sử dụng tạm một phần vỉa hè để kinh doanh, vừa giúp tăng thu nhập, vừa giúp địa phương có thể quản lý trật tự vỉa hè tốt hơn. Tuy nhiên, khi mở rộng các tuyến đường được phép kinh doanh trên vỉa hè, nếu không quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến nguy cơ “vỉa hè bị chiếm dụng một cách hợp pháp hơn”.
Ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch UBND phường 6 (quận 3), cũng cho rằng, mỗi địa phương có tính đặc thù riêng, các lực lượng chức năng không thể 24/24 giờ “bám đường” để giải quyết, xử phạt các trường hợp vi phạm. Cho nên, trong quy định mới cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của UBND phường - xã - thị trấn để hài hòa nhiều vấn đề và đảm bảo an toàn giao thông cũng như tránh tình trạng tiêu cực xảy ra.
Góp ý thêm về vấn đề này, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Trung tâm Tư vấn Khoa học và Công nghệ cầu đường cảng TPHCM, cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của quyết định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè là khâu tổ chức thực hiện. Cho nên, quy định mới cần xác định rõ trách nhiệm của từng sở ngành, địa phương, nhất là các phường xã - đơn vị quản lý sát nhất. Nơi nào làm tốt thì khen, làm chưa tốt thì phải có chế tài cụ thể.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cũng đề xuất, quy định mới cần bổ sung yếu tố, vai trò, trách nhiệm người sử dụng. Cùng với đó là việc quy định rõ những đối tượng được sử dụng vỉa hè cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của người liên quan; thậm chí cần quy định người dân có được quyền khiếu kiện không, nếu quyền lợi bị ảnh hưởng.
Ông TRẦN THANH BÌNH - Phó Chủ tịch UBND quận 3:
Quy định rõ thời gian cấp phép kinh doanh
Trong dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74 có mở rộng về đối tượng, thời gian, không gian được sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè. Lưu ý rằng, trên vỉa hè còn có những hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng địa phương, hoặc người dân buôn bán một số mặt hàng mang tính thời điểm như vào các dịp lễ, tết…
Những người buôn bán kinh doanh, giữ xe tự quản trên vỉa hè cũng muốn làm ăn hợp pháp. Vì vậy, nếu quy định mới phân quyền cho các địa phương và được thực hiện công khai minh bạch các địa điểm được kinh doanh, diện tích được phép sử dụng, có hướng dẫn cụ thể cho người dân quy trình xin cấp phép, đóng phí thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU - Đoàn Luật sư TPHCM:
Phạt nghiêm người vi phạm
Quản lý tốt lòng đường, vỉa hè để người đi bộ đi lại thuận lợi, an toàn là mục tiêu đúng đắn, được người dân đồng tình. Tuy nhiên, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường đã thành thói quen, thậm chí tạo nguồn thu nhập của nhiều tổ chức cá nhân. Vì thế, việc quản lý cho tốt là không đơn giản.
Dự thảo thay thế Quyết định 74 cần có những điểm được làm rõ hơn. Theo đó, một khi đã cấp phép thì phải có cơ chế quản lý, giám sát các hành vi vi phạm, cũng như biện pháp xử phạt nghiêm khắc vi phạm. Quy định thì có, mà không ai bị phạt thì sẽ mất đi tính nghiêm minh. Ngoài ra, mức phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông cũng cần được quy định rõ để khi quyết định mới có hiệu lực, các địa phương có thể áp dụng ngay, thay vì phải chờ thêm quy định riêng về mức phí.
Thực tế hiện nay cho thấy, lòng đường, vỉa hè ở nhiều nơi đang bị lấn chiếm buôn bán tràn lan, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Do đó, nếu muốn cấp phép sử dụng vỉa hè thì cần tham khảo ý kiến của địa phương, tổ dân phố ở nơi đó xem, người dân có đồng tình hay không. Việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè cũng cần ứng dụng công nghệ triệt để, công khai minh bạch, tránh những tiêu cực có thể xảy ra hoặc tạo những hoài nghi không cần thiết.