Đó là những thông tin độc giả có thể tìm kiếm trong cuốn sách “Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu” của GS.TS người Đức Rainer Zitelmann (một nhà đầu tư, chuyên gia tin tức nổi tiếng).
Cuốn sách nhằm mục đích lấp đầy những khoảng trống trong nghiên cứu về sự giàu có, mối tương quan giữa các đặc điểm tính cách cụ thể và sự thành công của doanh nhân. Tác giả đã thực hiện 45 cuộc phỏng vấn với những cá nhân có giá trị tài sản ròng từ 10-30 triệu EUR ở nhóm thấp nhất, lên đến hàng trăm triệu, thậm chí vài tỷ EUR ở nhóm cao nhất.
Chương 1 bàn tới thực trạng nghiên cứu học thuật về sự giàu có, tổng hợp lại những phát hiện quan trọng nhất và vạch ra những lỗ hổng trong nghiên cứu.
Chương 2 đánh giá cách sử dụng và định nghĩa của thuật ngữ "giới tinh hoa kinh tế" trong nhiều nghiên cứu về giới tinh hoa. Những nghiên cứu trước đây về giới tinh hoa kinh tế đã quá chú trọng vào các thành viên điều hành được tuyển dụng vào các vị trí lãnh đạo trong khi gần như hoàn toàn bỏ qua các doanh nhân độc lập và các nhà đầu tư. Có những lý do chính đáng để chia tầng lớp tinh hoa kinh tế thành 2 nhóm. Chính những người giàu có kiệt xuất, một phân nhóm riêng biệt trong giới tinh hoa kinh tế, là chủ đề của tác phẩm này.
Chương 3 mô tả thực trạng của nghiên cứu tinh thần doanh chủ. Ngay từ đầu thế kỷ 20, các tác giả khám phá hiện tượng khởi nghiệp, nổi bật nhất là Werner Sombart và Joseph Schumpeter, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề tâm lý. Phần này tập trung vào những phát hiện quan trọng của nghiên cứu về tính cách các doanh nhân. Chương 4 đề cập đến kinh tế học hành vi và các thuyết học tập, trong chừng mực chúng có liên quan đến thành công của doanh nhân. Chúng bao gồm cả học tập "chủ động" và "vô thức". Học tập vô thức, nền tảng của "tri thức ẩn", đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với các doanh nhân, như các nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra và điều đó cũng được khẳng định rõ ràng qua cuộc phỏng vấn.
Chương 5 xem xét vai trò của cơ hội hoặc "may rủi". Cả 2 yếu tố này thường được các cá nhân thành công đề cập đến, và có những nghiên cứu cho rằng chúng có vai trò lớn hơn nhiều so với thực tế thấy được từ cuốn sách này. Liệu có những nguyên nhân nào về mặt xã hội và tâm lý để lý giải việc những người thành công thường nhấn mạnh vào may rủi hay cơ hội?
Chương 6 xem xét các lý thuyết về tính cách, đặc biệt tập trung vào những đặc điểm tính cách theo thuyết 5 nhân tố. Chương này cũng thảo luận về lý do vì sao trong các cuộc phỏng vấn, tác giả lại khám phá những đặc điểm khác ngoài những đặc điểm mà lý thuyết 5 nhân tố đã xác định, chẳng hạn như xu hướng rủi ro.
Chương 7 tập trung vào phương pháp luận. Đầu tiên, chương này cung cấp một cái nhìn tổng quan về các phương pháp tiếp cận có thể có đối với phỏng vấn định tính, tiếp theo là giải thích về việc lựa chọn phỏng vấn có định hướng làm mô hình phù hợp nhất cho nghiên cứu này. Ngoài ra, vấn đề về khuynh hướng phản ứng theo mong đợi của xã hội như đã đề cập ở trên, thường được đánh giá thấp trong các nghiên cứu về doanh nhân và giới tinh hoa, cũng sẽ được thảo luận cụ thể.