Bộ Xây dựng cho biết, cả nước có 888 đô thị. Sau các tác động mạnh của thiên tai và dịch bệnh thời gian qua, các đô thị đã thể hiện vai trò nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp các giải pháp thúc đẩy hoạt động phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị Việt Nam còn nhiều yếu tố chưa bền vững, hạ tầng vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa. Trong khi đó, các quy định hiện hành về quản lý đô thị lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, nhiệm vụ quy hoạch, phát triển đô thị trong thời gian tới rất nặng nề với nhiều mục tiêu lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương. Cụ thể, theo Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam cần đạt trên 50%, phấn đấu đạt mức trung bình khu vực ASEAN. Các chỉ tiêu khác như tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch phải đạt 100%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý tại các đô thị loại 2 trở lên phải đạt 40-45%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người phấn đấu đạt khoảng 30m2.
Đồng thời, kinh tế đô thị Việt Nam cần đạt khoảng 85%GDP cả nước; tỷ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chủ về tài chính đạt trên 60%. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng được ít nhất 3-5 thương hiệu đô thị quốc tế, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, muốn phát triển đô thị hiệu quả, chúng ta cần có kinh phí vượt trội để thực hiện. Trong đó, nguồn kinh phí lấy từ đất đai là đúng quy luật kinh tế, phù hợp với kinh nghiệm của các nước đã hoàn thành công nghiệp hóa. Nhà nước cần chuyển nguồn thu chính dựa vào giá trị đất đai từ cơ chế thu hồi đất sang thu từ thuế bất động sản và thu từ giá trị tăng thêm của đất do phát triển đô thị mang lại. Cơ chế chuyển dịch đất đai cần chuyển hẳn sang cơ chế góp, tái điều chỉnh đất đối với mọi dự án đầu tư sinh lợi và các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị.
Cũng với mong muốn tìm giải pháp tìm kiếm nguồn lực phát triển đô thị, TS Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hiệp quốc, cho rằng, các thành phố cần khai thác nguồn lực “nội sinh”, là những tài nguyên như tài sản đất đai, năng lực sản xuất và chuyên môn tài chính. Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, trên cơ sở kinh doanh, thu hồi giá trị gia tăng của đất đai nơi có đường giao thông đi qua. Các thành phố cần đảm bảo quyền tài sản thông qua đăng ký đất đai và có một hệ thống cho phép cập nhật định kỳ thông tin về tài sản và quyền sở hữu tài sản. Qua các công cụ này có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn từ thuế tài sản và “thuế cải thiện”.
Trong bối cảnh kinh phí vẫn đang hạn hẹp, các địa phương như Hà Nội, TPHCM đang nỗ lực tìm giải pháp để tạo nguồn lực cho công tác quản lý, phát triển đô thị. Từ kinh nghiệm trong việc quản lý, phát triển TP Thủ Đức, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cần tranh thủ tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính quốc tế. Ông Lê Trần Kiên cũng kiến nghị, chính quyền địa phương cần có giải pháp tăng hiệu quả khai thác quỹ đất dọc hành lang sông kênh rạch; phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý phần diện tích đất công…