Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thông (NN-PTNT) vừa trình Chính phủ dự thảo về chính sách hỗ trợ ngư dân với nhiều ưu đãi lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để thực thi đạt hiệu quả cao cần tháo gỡ những khó khăn các NHTM gặp phải khi triển khai cho vay đối với ngư dân, nhất là cho vay đóng tàu.
Khắc phục những tồn tại
Trong phiên họp tháng 5 diễn ra cuối tuần trước, Chính phủ đã thống nhất quan điểm với dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Bộ NN-PTNT, trong đó có điều kiện cho vay đối với ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần.
Cụ thể, các đối tượng này sẽ được sử dụng những tài sản này để thế chấp vay vốn với mức lãi suất 3-5%/năm; ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới được vay tối đa 90% tổng vốn đầu tư, thời hạn vay 10 năm; đóng tàu vỏ gỗ, mức cho vay 70% tổng giá trị tàu trong thời gian dài.
Ngư dân sử dụng tàu khai thác được cấp vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm và 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 117.116 tàu cá, trong đó 28.561 tàu cá xa bờ. Như vậy nguồn tài chính để triển khai các chính sách trên đang được chuẩn bị lên đến 10.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 435 tỷ đồng mỗi năm.
Chủ trương cho vay để đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã có từ nhiều năm trước. Trong điều kiện hiện nay cần tính đến việc đóng tàu thuyền cho ngư dân thuê hoặc mua trả góp. Bên cạnh đó hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng tàu lớn làm dịch vụ thu mua hải sản của ngư dân ngay trên biển. Như vậy, ngư dân chỉ tập trung vào đánh bắt và doanh nghiệp lo việc tiêu thụ, hiệu quả hoạt động mang lại sẽ cao hơn. TS. Trần Du Lịch, |
Chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu được đánh giá ưu đãi chưa từng có, nhưng đây không phải là vấn đề mới mà đã có từ nhiều năm trước.
Thí dụ chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi đang được Bộ Tài chính, NHNN và UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện. Mục tiêu đóng mới 22 tàu công suất 400-800CV, với phương thức hỗ trợ tàu có công suất từ 400 đến dưới 600CV được vay tối đa 70% tổng vốn đầu tư đóng tàu; từ 600 đến dưới 800CV được vay tối đa 75%; tàu công suất 800CV được vay tối đa 80%.
Thời hạn vay 10 năm, ân hạn trả gốc và lãi trong thời gian đóng tàu. Lãi suất vay bằng 40% lãi suất vay thương mại thấp nhất của Agribank, ngân sách nhà nước bù cho Agribank 60% lãi suất còn lại, dự kiến 3-6 tỷ đồng/tàu tùy theo công suất.
Cùng với những chính sách trên, mới đây, BIDV công bố gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho ngư dân vay đóng mới tàu công suất lớn và mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác thủy sản vùng biển xa bờ với lãi suất ưu đãi. Đây là những tín hiệu rất tích cực đối với ngư dân nói riêng và nghề cá nói chung.
Tuy nhiên, do trước đây các chính sách khi triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều ý kiến quan ngại về việc tiếp cận tín dụng của ngư dân. Đó là việc tổ chức cho vay thiếu tính đồng bộ, mức hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu ngư dân, các yêu cầu và điều kiện để hưởng hỗ trợ còn gây phiền phức.
Trong khi đó, đa số ngư dân được vay vốn ưu đãi đóng tàu đánh bắt xa bờ chưa có kinh nghiệm đánh bắt và quản lý tàu có thiết bị hiện đại, thực hiện bảo dưỡng không đúng gây hỏng động cơ, giảm tuổi thọ thiết bị. Vì vậy, để chính sách này thực thi có hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự hỗ trợ đồng bộ từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp để tháo gỡ những tồn tại này nhằm khơi thông chính sách hỗ trợ hiện tại.
Hỗ trợ phù hợp nhu cầu, điều kiện
Với kinh nghiệm cho vay hỗ trợ ngư dân, đại diện Agribank cho biết hoạt động đầu tư tín dụng ngành thủy sản thời gian qua gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, tài sản đảm bảo tiền vay chủ yếu là tàu cá, NH chỉ giữ giấy chứng nhận, phương tiện giao khách hàng sử dụng.
Nếu phương tiện vi phạm hải phận bị bắt giữ và thu tàu, ngư lưới cụ, rủi ro mất vốn là chắc chắn bởi không cơ quan bảo hiểm nào tham gia. Tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên đánh bắt ngư trường xa, neo đậu ở các địa phương ngoài tỉnh nên khó khăn cho NH cho vay trong việc kiểm tra, quản lý dòng tiền sau khi bán hải sản khai thác được.
Khi khách hàng không trả được nợ, nếu muốn phát mãi tài sản thế chấp, phương tiện tàu cá phải được kéo về bến đậu phía NH thường nhờ sự hỗ trợ của Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển, nhưng hiện chưa có văn bản liên ngành để các cơ quan này có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ NH.
![]() |
Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LONG THANH |
Do đặc thù ngành khai thác đánh bắt thủy hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, các NHTM buộc người vay bổ sung tài sản thế chấp ngoài tàu cá hình thành từ vốn vay khi cho vay đóng mới tàu cá, đã khiến ngư dân khó tiếp cận vốn. Vì vậy, để các chính sách mới thực thi hiệu quả hơn, cần có cơ chế đặc thù cùng với quy hoạch, đánh bắt khai thác, tiêu thụ và cơ sở hạ tầng của các bộ, ngành và địa phương để phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân. Từ đó, NH mới mạnh dạn cho vay với tài sản chỉ là tàu cá hình thành từ vốn vay và người dân dễ tiếp cận vốn, đầu tư tàu lớn.
Chính sách mới đưa ra cũng khuyến khích đóng mới tàu vỏ thép nhằm hiện đại hóa đội tàu cá với tỷ lệ cấp tín dụng lên đến 90% tổng giá trị tàu cá. Nhưng theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, ngư dân Việt Nam thích tàu vỏ gỗ vì phù hợp với điều kiện đánh bắt và điều khiển, dù tàu gỗ có nhiều hạn chế nếu gặp thiên tai hoặc va chạm. Việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ gỗ hay vỏ thép phải tùy vào nhu cầu và điều kiện của họ, cân nhắc hỗ trợ cho phù hợp, nhưng ngư dân đóng tàu vỏ thép sẽ được hỗ trợ đặc biệt hơn.