Những tín hiệu lạc quan không chỉ đến từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc mà các thị trường chất lượng cao dành cho người lao động có tay nghề cũng hứa hẹn có nhiều bứt phá. Qua đó, có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đưa 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay.
Với kinh nghiệm hàng chục năm đưa người lao động, thực tập sinh và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế Sovilaco ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa chỉ được người lao động ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước yên tâm, tin tưởng. Tuy nhiên cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, 3 năm bị ảnh hưởng của đại địch Covid-19 là quãng thời gian đầy khó khăn, thử thách của công ty.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Sovilaco chia sẻ: Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Với Sovilaco, đây là giai đoạn vô vàn khó khăn. Công ty có được nhiều đơn hàng nhưng đều bị hủy hoặc chậm tiến độ, dẫn đến nhiều lao động trúng tuyển rồi nhưng không xuất cảnh được.
Cùng với đó là tâm lý sợ dịch bệnh, không dám ra nước ngoài làm việc của người lao động. Tuy nhiên, trải quả những tháng ngày khó khăn, ông Nguyễn Xuân Trung nhận định, năm 2023 lĩnh vực xuất khẩu lao động sẽ tiếp tục gam màu sáng. Những tín hiệu lạc quan không chỉ đến từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc….
Ngoài thị trường truyền thống chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho người lao động có tay nghề cũng hứa hẹn có nhiều bứt phá trong năm nay, khi nhiều nước đưa ra hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài.
Lao động EPS (Hàn Quốc) và IM Japan về nước, tham gia phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội
"Năm 2022, lao động của chúng ta sang các nước làm việc đạt kết quả rất cao, trong 3 năm qua. Và trên đà phát triển của năm 2022, thì năm 2023 cũng báo hiệu có thể đạt được kết quả đưa số lượng người lao động sang làm việc ở nước ngoài sẽ được khởi sắc hơn, tốt hơn. Đặc biệt là các thị trường truyền thống của chúng ta có những đơn hàng gửi về cho các doanh nghiệp, rồi các thị trường mới ở châu Âu như: Hungary, Ba Lan; Rumani, Đức…thì cũng đã quen dần với việc đưa lao động Việt Nam chúng ta làm việc. Bên cạnh đấy thì có thị trường Úc và thị trường Canađa, thêm một số nước ở Trung Đông nữa họ cũng đang rất mong muốn tiếp nhận được lao động của Việt Nam chúng ta", ông Trung nói.
Năm 2003, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục ưu tiên triển khai các giải pháp để giữ chân các thị trường truyền thống và tiếp nhận nhiều lao động như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, sẽ phát triển thêm các thị trường ở một số nước châu Âu và Singapore với những ngành nghề có điều kiện việc làm tốt cũng như thu nhập ổn định cho người lao động...
Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Sona, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng: Trong năm 2023 thị trường xuất khẩu lao động vẫn có những điểm sáng nhất định. Tuy nhiên để hoàn thành được mục tiêu đưa 110 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay là một đích đến không hề đơn giản.
"Trong năm 2023, xuất khẩu lao động vẫn có những điểm sáng nhất định. Tuy nhiên, chỉ tiêu đưa 110.000 lao động đặt ra trong năm nay cũng là một con số cũng cần phải cố gắng, chứ không phải là đơn giản. Đương nhiên Bộ Lao động sẽ mở rộng một số thị trường mới, những tín hiệu của một số thị trường châu Âu như Đức và một số thị trường khác nữa. Tuy nhiên, những thị trường này vẫn đang là giai đoạn hai bên Chính phủ đang làm việc với nhau và để có kết quả cuối cùng vẫn phải chờ đợi hiệp định hợp tác được triển khai thì lúc đó mình có thể nhận định rõ ràng hơn. Trong năm 2023 này con số 110.000 lao động cũng cần nỗ lực của cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp nói chung", ông Nam cho biết.
Hiện tại, ngoài Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) là 2 thị trường chủ chốt của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các cơ quan chức năng cũng đã mở rộng thị trường tại một số quốc gia ở Châu Âu. Tuy nhiên, đây lại là những khu vực mà tình hình chính trị còn nhiều bất ổn, thủ tục nhập cảnh tương đối chặt chẽ và chi phí cao nên người lao động không thực sự mặn mà. Bởi vậy, trong năm nay cũng các năm tới,
Theo ông Nguyễn Đức Nam, đối với xuất khẩu lao động, chúng ta cần có những bước đi bền vững hơn. Cụ thể là việc mở rộng các thị trường tiềm năng có mức lương tốt. Ví dụ như các thị trường châu Âu về các thị trường Úc đấy là những thị trường rất tiềm năng.
:Để phát triển những thị trường này cần có chính sách từ Chính phủ, cụ thể là các cơ quan đại diện ngoại giao xúc tiến để làm việc với chính phủ phía bạn để mở ra các hoạt động hội thảo giao lưu giữa các doanh nghiệp, đồng thời là thúc đẩy công tác ký Hiệp định giữa hai nước mở đường cho các doanh nghiệp tham gia", ông Nam nói.
Ông Nguyễn Xuân Trung cho rằng, để lĩnh vực xuất khẩu lao động phát triển bền vững rất cần có những định hướng cụ thể hơn, việc giữ vững được các thị trường truyền thống, khai thác để tăng số lượng lao động của Việt Nam sang làm việc tại các quốc gia ở châu Âu nếu các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp tập trung vào các thị trường này thì số lượng người lao động của chúng ta ra làm việc ở nước ngoài sẽ đạt con số như kỳ vọng mà năm 2023 đang đặt mục tiêu.
Để đạt mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: Các doanh nghiệp nghiệp xuất khẩu lao động cũng phải chủ động hơn trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
"Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước cũng như tăng số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì chúng ta cũng cần phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động nước ngoài. Trong đó, chúng tôi đang yêu cầu tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm sao có nguồn lao động, đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài", ông Liêm cho hay.
Những tín hiệu lạc quan trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023 là có cơ sở, bởi trong bối cảnh dịch bệnh đã được đẩy lùi, các chính sách hỗ trợ người lao động có nhiều đổi mới, thị trường ngày càng được mở rộng…Mong rằng những tín hiệu này sẽ mang đến cho người lao động nhiều cơ hội lựa chọn việc làm, với thu nhập tốt hơn khi đi làm việc ở nước ngoài.