Tỉnh táo trong xuất khẩu

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2013, các DN cần tỉnh táo đưa ra chiến lược chiến lược lâu dài, tránh kiểu làm ăn hớt váng do ngộ nhận.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2013, các DN cần tỉnh táo đưa ra chiến lược chiến lược lâu dài, tránh kiểu làm ăn hớt váng do ngộ nhận.

Tránh ngộ nhận

Tại hội thảo “Diễn đàn xuất khẩu 2013” mới đây, ông Vũ Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Myanmar, cho hay trong năm 2012 khi tiêu thụ trong nước chậm, hàng hóa tồn đọng nhiều, không ít DN đã tìm đến Thương vụ Việt Nam tại Myanmar với mong muốn nhờ giúp tìm đối tác tiêu thụ.

“Đây là cách làm ăn bị động, ngộ nhận và thiếu thông tin thị trường” - ông Cường nói. Mặc dù Myanmar đang được xem như mỏ vàng cuối cùng của châu Á với nhu cầu nhập khẩu cao và là thị trường tiêu thụ lớn, nhưng không có nghĩa họ chấp nhận mọi sản phẩm.

Ông Cường cho biết thêm, không ít DN Việt Nam nghĩ rằng Myanmar mới mở cửa nên họ thiếu thông tin và trình độ phát triển thấp, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Myanmar trước đây vốn là một nước tư bản phát triển, là một trong những thành viên sáng lập WTO, chính vì vậy họ không thiếu thông tin, trình độ dân trí của Myanmar cũng cao, tiến trình chuyển biến kinh tế rất nhanh. Thậm chí sau khi hết cấm vận, nhiều DN của Myanmar còn chủ động sang Việt Nam tìm nguồn hàng.

“Chính những ngộ nhận về thị trường khiến nhiều DN kinh doanh hớt váng và không ít vụ tranh chấp thương mại đã diễn ra, trong đó chủ yếu là DN Myanmar kiện DN Việt Nam” - ông Cường cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Bảo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia, cũng cho biết có nhiều vụ tranh chấp về gian lận thương mại nảy sinh tại thị trường Australia, trong đó chủ yếu là DN Australia  kiện DN Việt Nam.

“Điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của DN Việt Nam trong mắt DN Australia. Vì vậy, các DN Việt Nam cần có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hạn” - ông Bảo chia sẻ.

Khá nhiều DN xuất khẩu Việt Nam cho rằng Nhật Bản mới là thị trường khó tính nhất, song với một số mặt hàng như thực phẩm, nông sản, yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia còn khó hơn nhiều.

Theo thông tin từ Thương vụ Australia, nhiều loại rau quả của Việt Nam có thể vào Nhật Bản nhưng cho đến nay vẫn chưa có rau quả nào của Việt Nam vào được Australia. Ngoài những ngộ nhận thị trường, không ít DN còn có kiểu làm ăn “khó hiểu”.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ thông tin mới đây có một số DN Việt Nam đã mua lại những lô hàng thủy sản của Ấn Độ vừa bị Nhật Bản trả về do không đạt yêu cầu. “Không rõ DN sẽ làm gì với chúng, liệu họ có ý định xuất ngược lại Nhật Bản hay không?” - ông Dũng thắc mắc.

Tìm cách tăng thị phần

Tính đến nay, thị phần xuất khẩu của Việt Nam vào các nước như Nhật Bản, Myanmar và Australia còn rất khiêm tốn. Cụ thể, năm 2012 hàng Việt Nam vào Nhật Bản mới chiếm 1,7% tổng nhu cầu nhập khẩu của nước này. Trong đó, những mặt hàng tiềm năng như dệt may chiếm 6,2%, thủy sản 4,5% và nông sản 0,6% thị phần.

Tương tự, 2012 là năm đầu tiên  Việt Nam xuất siêu sang thị trường này, với mức thặng dư thương mại vào khoảng 8 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này chiếm tỷ trọng khá thấp, chỉ khoảng 0,1% trong tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hiện Australia đang là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2012 đạt ngưỡng 5 tỷ USD, nhưng hàng hóa Việt Nam tại Australia còn quá ít.

Thí dụ, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất của Australia hàng năm lên tới 3 tỷ USD, nhưng Việt Nam mới xuất sang thị trường này 120 triệu USD (Trung Quốc chiếm tới 55%). Hay như mặt hàng giày dép với nhu cầu nhập khẩu hàng năm 1,5 tỷ USD nhưng Trung Quốc chiếm đến 1 tỷ USD, còn Việt Nam chỉ vài triệu USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2013 dự kiến tăng trưởng 10%, Việt Nam cần nhận diện những khó khăn và cơ hội trong 2013 để có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, vai trò thông tin, kết nối của các thương vụ là hết sức quan trọng.

Ông Vũ Cường cho biết hiện các sản phẩm “made in Vietnam” đang được ưa chuộng tại Myanmar do chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Song, đây lại là nguyên nhân khiến hàng Việt Nam bị làm giả nhiều. Vì thế các DN phải liên kết với nhau bảo vệ thương hiệu quốc gia, tránh tình trạng cạnh tranh nhau về giá để rồi “tự mình giết mình”.

Một thông tin tích cực từ thị trường Nhật Bản được Tham tán Thương mại Nguyễn Trung Dũng chia sẻ, đó là sau nhiều năm luôn tự kiểm định chất lượng nông lâm thủy sản thì nay Nhật Bản đã chấp nhận kết quả từ một số phòng kiểm nghiệm của Việt Nam. “Coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm chính là then chốt cho thành công của các DN” - ông Dũng nhấn mạnh. 

Các tin khác