(ĐTTCO) - Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet cao nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) lại chưa phát triển như mong muốn. Bà TRƯƠNG CẨM THANH (ảnh), Giám đốc điều hành 123Pay đã có cuộc trao đổi với ĐTTC để giải đáp những thắc mắc về nguyên nhân khiến hoạt động TMĐT tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.
PHÓNG VIÊN: - Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng và lợi thế của TMĐT tại Việt Nam?
![]() |
Bà TRƯƠNG CẨM THANH: - Theo tôi, có 4 lợi thế rõ rệt để phát triển TMĐT tại Việt Nam. Thứ nhất, với 91 triệu dân, trong đó hơn 1/3 dân số sử dụng internet, Việt Nam có lượng người dùng internet thuộc hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thứ 2, tỷ lệ người mua sắm online và nhu cầu tìm hiểu sản phẩm trên internet cao, có 67% người dùng internet mua sắm online nên Việt Nam được đánh giá là nơi đầy tiềm năng để TMĐT bùng nổ. Thứ 3, số người sử dụng smartphone ngày càng gia tăng, bình quân 3 người Việt có tối thiểu 1 người sử dụng điện thoại thông minh. Thứ 4, tính đến cuối tháng 6-2015 có hơn 84 triệu thẻ ngân hàng được phát hành. Đây là 4 thuận lợi lớn nhất để thúc đẩy hàng loạt dịch vụ trực tuyến phát triển, đặc biệt là TMĐT trên nền tảng di động.
- Các DN hoạt động TMĐT tại Việt Nam hiện đang đi đúng hướng và đâu là điểm yếu của họ trong lĩnh vực này?
- Đứng ở vị trí là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, tôi có thể đưa ra 2 điểm liên quan đến thanh toán. Kết quả từ cuộc khảo sát chỉ số TMĐT năm 2015 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho thấy trong khi TMĐT phát triển khá nhanh nhưng thanh toán điện tử chưa theo kịp sự phát triển đó. Tỷ lệ thanh toán online chỉ chiếm khoảng 10% lượng giao dịch của TMĐT, với tổng số lượng hơn 84 triệu thẻ. Điều này cho thấy người tiêu dùng chưa tin tưởng hoặc chưa thông thạo hình thức thanh toán online. Ngoài ra, các DN kinh doanh theo mô hình TMĐT nhưng vẫn chấp nhận cho thanh toán tiền mặt (COD). Số liệu hiện nay cho thấy có 90% người mua sắm online chọn hình thức thanh toán COD. Tỷ lệ hủy đơn hàng theo hình thức này rất cao, chiếm từ 15-20% làm chi phí vận hành và chi phí nhân sự tăng theo.
- DN cần chuẩn bị gì để tận dụng xu hướng phát triển TMĐT đang bùng nổ hiện nay?
- Theo dự đoán của các nhà đầu tư trong 3 năm tới, TMĐT Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn nếu các DN khai thác đúng hướng những tiềm năng của thị trường. Doanh thu từ TMĐT có thể tăng mỗi năm 30%, theo đó vào năm 2018 doanh thu TMĐT có thể tăng từ 4 tỷ USD lên hơn 8 tỷ USD. Để thực sự dấn thân vào con đường TMĐT, theo tôi các DN phải xác định đầu tư lâu dài, tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống quản lý, giải pháp vận hành phù hợp với văn hóa và thói quen của người tiêu dùng ở các vùng, miền. Ngoài ra, nhân lực cũng là yếu tố quan trọng đối với ngành TMĐT. Bởi ngành này mới hình thành và phát triển ở nước ta trong vài năm gần đây, trong khi nhân lực về TMĐT thiếu, hoặc chưa đủ kinh nghiệm để có thể đáp ứng tốt cho nhu cầu tuyển dụng rất cao hiện nay. Vì thế, chiến lược đào tạo và gìn giữ nhân tài, các công ty TMĐT cần chú trọng hàng đầu.
- 123Pay đã có những chuẩn bị gì để đón đầu cơ hội trong lĩnh vực TMĐT còn khá mới mẻ tại Việt Nam?
- Chúng tôi không chỉ dừng lại ở cổng thanh toán trên máy tính, hỗ trợ cho các DN TMĐT. Mục tiêu mới của chúng tôi là phát triển một nền tảng thanh toán trên di động, vừa phục vụ cho DN vừa hướng đến tất cả người dùng trực tuyến. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung xây dựng ví điện tử hoạt động trên các thiết bị di động, với đa dạng chức năng: chuyển tiền, thanh toán các loại hóa đơn, thanh toán mua sắm trực tuyến, Mobile top-up… Vì vậy, 123Pay sẽ tiếp tục tiếp cận nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực để phục vụ nhu cầu thanh toán hàng ngày của người Việt Nam. Với dự án này, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra một ví điện tử linh hoạt, tối giản thao tác, đảm bảo an toàn giúp người dùng dễ dàng trải nghiệm, cũng như thêm tin cậy về thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tận dụng thế mạnh về khách hàng lớn từ CTCP VNG để phát triển nền tảng data, nhằm phục vụ việc nghiên cứu, phân tích và tìm hiểu khách hàng sâu hơn với mục tiêu tiếp tục phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình.
- Xin cảm ơn bà.