Theo ông Quân, trong tháng 4, Sở Xây dựng đã xác nhận 2 dự án nhà ở đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai với 1.083 căn hộ, lũy tiến từ đầu năm đến nay có 7 dự án với khoảng 9000 căn hộ (tăng 83% so cùng kỳ) được đưa ra thị trường với tổng vốn huy động từ xã hội lên đến 123.000 tỷ đồng. Trong tổng số 32 dự án đang vướng mắc mà Thành phố báo cáo với Tổ Công tác của Chính phủ, Tổ Công tác đã chuyển về, tháo gỡ 16/32 dự án; 16 dự án còn lại Tổ Công tác tiếp tục xem xét. 10/20 kiến nghị của Thành phố về các nhóm giải pháp để “khơi thông” các dự án đã được đồng ý và mới đây Thành phố tiếp tục kiến nghị thêm 10 nhóm nội dung nữa nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc hiện nay. Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, hiện nay TP còn hơn 81.000 căn hộ chưa được cấp GCN, tuy nhiên nhờ nỗ lực của các sở ngành, TP và trung ương trong tháng 5 này sẽ có khoảng 8.100 căn hộ được cấp GCN. Về cập nhận biến động, mua bán chuyển nhượng nhà đất, trong tháng 4 toàn TP có 7.400 hồ sơ được giao dịch, tăng 26% so với tháng trước.
Về tình hình kinh tế chung của TP, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, cho biết, những chuyển biến tích cực của địa phương trong tháng 4 được thể hiện qua sự gia tăng các chỉ số. Cụ thể như, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2%; du lịch tăng 71,6%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 15%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,1%... so với cùng kỳ năm 2022. Dịp này, đại diện Sở Tài chính báo cáo, tổng ngân sách thu sau 4 tháng là 170.000 tỷ (đạt 36%), có thể đảm bảo các mục tiêu đề ra. Còn theo Cục thống kê, kinh tế thành phố có triển vọng tăng trưởng trong quý II, dù còn nhiều khó khăn và áp lực. Các đơn vị khác như Cục Hải quan, Hiệp hội doanh nghiệp... và đại diện các sở, ngành cũng nhìn nhận, tình hình tháng 4 cho thấy nhiều điểm sáng đáng trân trọng, sau khi thành phố trải qua những khó khăn ở quý I.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở hoạt động xuất - nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, giải ngân đầu tư công tháng 4 vẫn ở mức thấp với 4,9%...
Phát biểu kết luận phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP nhìn nhận, qua báo cáo và ý kiến của các đơn vị, có thể thấy rõ tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 có xu hướng phục hồi và phát triển. Ông nhấn mạnh - quý II đã khởi sắc và thành phố sẽ bước vào quý III và IV trên tinh thần lấy lại nhiều nhất những gì đã mất. Tuy nhiên, theo Chủ tịch TP, vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục theo dõi, nhận diện và nỗ lực giải quyết. Đặc biệt, với vấn đề giải ngân đầu tư công, ông Mãi nhắc nhở, Sở Kế hoạch Đầu tư cần theo dõi sát sao, yêu cầu các chủ đầu tư triển khai quyết liệt.
Theo mục tiêu, hết quý II, giải ngân đầu tư công đạt 35%. Song hiện tại con số này mới đạt 4,9%. Ông Mãi cho rằng, "điểm rơi" của công tác giải ngân đầu tư công sẽ vào khoảng tháng 5-6, khi bắt đầu thực hiện nhiều dự án trọng điểm như vành đai 3 TPHCM. "Chúng ta cần hết sức tập trung để giải ngân đầu tư công, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Đến 30/6, tỷ lệ phải giải phóng mặt bằng cho các dự án phải đạt 70% để tiến hành các bước tiếp theo. Với các dự án lớn, dự án đã khởi công, phải đẩy nhanh tiến độ để ra vốn sớm", Chủ tịch UBND TP nói.