Trước đó, các nhà thầu thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) phải bồi thường 114 triệu USD do chậm giải phóng mặt bằng.
Để gỡ vướng cho dự án, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ giải quyết vướng mắc cụ thể cho UBND TP Hà Nội, và 7 bộ, ngành.
Đối với các vướng mắc liên quan thể chế, chính sách với dự án, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng sớm triệu tập họp để xem xét, đưa ra phương án giải quyết các nội dung liên quan tới tiến độ thi công, và vấn đề giải ngân vốn dự án.
Với các vướng mắc liên quan tới sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC (mẫu hợp đồng quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn) và quy định của pháp luật Việt Nam, bộ kiến nghị giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp giữa các bên liên quan nghiên cứu gỡ vướng theo hướng xây dựng đồng bộ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có tổng vốn đầu tư ban đầu 1,176 tỉ euro, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, và Cơ quan Phát triển Pháp.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, được chia thành 10 gói thầu, thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2009 - 2022.
Đến nay tiến độ thi công metro Nhổn - ga Hà Nội đạt 74% khối lượng công việc, trong đó đoạn 8,5km chạy trên cao đã hoàn thành 89,41%, đoạn 4km chạy ngầm mới hoàn thành 32,2%. Có 8 gói thầu của metro Nhổn - ga Hà Nội thời gian qua phải ký hợp đồng gia hạn tiến độ thực hiện.
Về tiến độ giải ngân dự án, theo MRB, tính đến giữa tháng 10 năm nay, dự án đã giải ngân được khoảng 15.962 tỉ đồng, riêng trong năm 2021 giải ngân được 1.431 tỉ đồng, chỉ đạt 29% kế hoạch năm. Nguyên nhân do các vướng mắc về hợp đồng, nhiều nhà thầu kiến nghị đòi bồi thường, đòi thanh toán bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian, điều chỉnh giá các hạng mục dự án.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết một trong những khó khăn trong thực hiện tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội là việc thi công dự án không có tổng thầu, trong khi chủ đầu tư MRB thiếu kinh nghiệm quản lý dự án, tư vấn Systra được chỉ định làm tư vấn thực hiện dự án theo cam kết tài trợ vốn lại thiếu hợp tác với chủ đầu tư.
Tư vấn Systra chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư MRB các giải pháp gỡ vướng cho dự án, đặc biệt là những khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và các quy định của pháp luật Việt Nam để quản lý tiến độ dự án. Từ 1-8 đến 13-9-2021, tư vấn Systra đã ngừng cung cấp dịch vụ, gây sức ép với chủ đầu tư metro Nhổn - ga Hà Nội trong thương thảo, gia hạn hợp đồng.
Trong quá trình đàm phán, điều chỉnh, gia hạn hợp đồng các gói thầu, một số nhà thầu nước ngoài đã lợi dụng tính cấp bách, phức tạp của dự án để gây sức ép với chủ đầu tư, đề xuất các giá trị phát sinh lớn và thiếu hợp tác giải trình, cung cấp hồ sơ chứng minh cụ thể theo yêu cầu của chủ đầu tư.