Hỏi: - Đầu năm 2007, tôi nộp đơn ra tòa án khởi kiện, yêu cầu con trai tôi hoàn trả giấy tờ bản chính của căn nhà đứng tên tôi. Các giấy tờ bao gồm: giấy phép hợp thức hóa sở hữu nhà, giấy phép công nhận quyền sở hữu nhà, tờ khai chuyển dịch tài sản nộp thuế trước bạ. Tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án đã tuyên buộc con trai tôi giao trả toàn bộ giấy tờ kể trên. Con trai tôi kháng cáo và tòa án cấp phúc thẩm đã bác bỏ, giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm. Nhưng mới đây Tòa Dân sự Tòa án Nhân dân Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, vì hai cấp tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền. Xin hỏi, Tòa Dân sự Tòa án Nhân dân Tối cao giải quyết như vây đúng hay sai?
Trần Thị Lụa (đường Phan Chu Trinh, phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trả lời: - Theo trình bày, bà chỉ yêu cầu tòa buộc con trai trả lại các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, không tranh chấp về nhà, đất.
Trong khi đó, Bộ Luật Tố tụng dân sự không quy định thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết yêu cầu của đương sự đòi lại các giấy tờ do các cơ quan hành chính cấp cho các đương sự như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở…
Mặt khác, pháp luật không xác định các loại giấy tờ này thuộc loại có giá. Điều 163 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định các lọai giấy tờ trên không phải là tài sản và không được phép giao dịch trao đổi. Vì vậy, khi bà có yêu cầu đòi lại các giấy tờ trên, tòa sơ thẩm cần giải thích để bà yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục hành chính. Việc thụ lý và đưa ra xét xử như 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm là không đúng thẩm quyền, cần phải hủy án.