Trong thông cáo chính thức đưa ra chiều 27/10, Tòa tư pháp châu Âu nhận định, “hệ thống tư pháp của Liên minh châu Âu cần phải độc lập và công bằng”, việc Tòa tư pháp châu Âu ra án phạt với Ba Lan là do Chính phủ nước này đã không tuân thủ lệnh do Tòa tư pháp châu Âu đưa ra hôm 14/7 rằng, Ba Lan cần phải chấm dứt ngay lập tức hoạt động của Phòng kỷ luật trực thuộc Tòa án tối cao Ba Lan.
Trước đó, vào năm 2017, Ba Lan đã tiến hành một cải cách tư pháp gây nhiều tranh cãi khi cho thiết lập Phòng kỷ luật trong Tòa án tối cao Ba Lan, với lí do đưa ra là để đấu tranh loại trừ nạn tham nhũng trong hệ thống tư pháp Ba Lan. Tuy nhiên, phía Ủy ban châu Âu đã phản đối quyết liệt cải cách này và cho rằng, việc Ba Lan lập ra Phòng kỷ luật là một hình thức đe dọa các thẩm phán, đe dọa sự độc lập của ngành tư pháp của Ba Lan, đi ngược lại các giá trị về nhà nước pháp quyền của Liên minh châu Âu.
Ba Lan đang "căng thẳng" với EU. Ảnh: Reuters
Các tranh cãi đã kéo dài trong nhiều năm qua và đến hôm 14/7, Tòa tư pháp châu Âu đã ra phán quyết buộc Ba Lan chấm dứt ngay lập tức hoạt động của Phòng kỷ luật. Đến tháng 8/2021, Chính phủ Ba Lan đưa ra cam kết sẽ giải thể Phòng này nhưng chưa thực hiện, khiến Ủy ban châu Âu ngày 7/9/2021 đã yêu cầu Tòa tư pháp châu Âu trừng phạt Ba Lan.
Với phán quyết mới được Tòa tư pháp châu Âu đưa ra, Chính phủ Ba Lan sẽ phải nộp phạt 1 triệu euro mỗi ngày cho Ủy ban châu Âu. Nếu Ba Lan từ chối nộp phạt, mức tiền phạt có thể sẽ tiếp tục gia tăng.
Phán quyết này của Tòa tư pháp châu Âu chắc chắn sẽ đẩy quan hệ giữa Ba Lan với các thiết chế của EU thêm căng thẳng. Trước đó, vào ngày 7/10, Tòa án Hiến pháp Ba Lan cũng đã ra một phán quyết gây tranh cãi khi cho rằng, một số Hiệp ước của EU đi ngược lại với chủ quyền quốc gia của Ba Lan và một số thiết chế của EU đang hành động vượt quá thẩm quyền. Sự kiện này đã gây ra các phản ứng mạnh mẽ từ phía Ủy ban châu Âu và nhiều nước thành viên EU vì cho rằng, điều này vi phạm một trong các nguyên tắc trụ cột của EU là “luật của EU luôn có tính ưu thế hơn so với luật của các quốc gia thành viên”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa diễn ra trong tuần trước (21-22/10) tại Brussels, nguyên thủ các nước EU đã tranh luận quyết liệt về chủ đề này và một số nước đã lên tiếng yêu cầu Ủy ban châu Âu tạm ngưng giải ngân số tiền khoảng 36 tỷ euro mà Ba Lan có thể nhận được từ gói phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của khối.
Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan đã đáp trả dữ dội và cho rằng, các hành động như vậy là đe dọa Ba Lan và không khác gì là khởi động một cuộc chiến tranh thế giới.