(ĐTTC) - Báo cáo Đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 5-4 cho thấy, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt mức 3,4%/năm, dân số đô thị chiếm 34% dân số toàn quốc, đa số tập trung trong và xung quanh TPHCM và Hà Nội.
![]() |
Báo cáo của WB cũng cho thấy, Việt Nam đã phát triển 2 hệ thống đô thị độc lập, có vai trò chi phối cả nước, bao gồm đô thị lõi và các vùng ngoại vi: đó là hệ thống đô thị TPHCM và Hà Nội.
Đô thị hóa ở 2 trung tâm kinh tế lớn này, đóng vai trò trọng tâm trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống đô thị hiện nay của Hà Nội và TPHCM đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính các thành phố này, đặc biệt là nút thắt hậu cần, chi phí vận chuyển bất thường, tắc nghẽn giao thông gia tăng và thị trường đất đai bị bóp méo.
Cụ thể, chỉ có khoảng 5% dân số thu nhập cao nhất ở Hà Nội và TPHCM có khả năng chi trả cho nhà đất và các công ty phát triển đô thị cung cấp qua kênh chính thức. Giá đất ở 2 thành phố này cũng cao hơn so với các thành phố tương đương ở châu Á.
Báo cáo đề xuất cần tập trung cải thiện hệ thống giao thông đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn nhất, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của các vùng đô thị này.
Đồng thời cần xử lý sớm hệ thống giá đất kép và sự mập mờ của thị trường nhà đất cũng như thói quen bán và cho thuê đất để tăng ngân sách địa phương - những thực tế có thể dẫn tới phát triển đô thị lộn xộn.
Theo bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Việt Nam có thể thành công hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội kinh tế - xã hội và vượt qua những thách thức của đô thị hóa nếu quá trình đô thị hóa được quản lý theo hướng mang lại lợi ích cho tất cả tầng lớp trong xã hội.