LTS: Càng ngày vai trò của doanh nhân trong sự phát triển của nền kinh tế cũng như đất nước càng được khẳng định rõ nét hơn. Không chỉ làm giàu cho doanh nghiệp, cho chính mình, các doanh nhân đang thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. ĐTTC xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thanh Mỹ (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập Đoàn Mỹ Lan, nói về những suy nghĩ, vai trò của doanh nhân đối với quê hương, đất nước.
Những ngày đầu khó khăn
Năm 1999 khi từ Canada trở về Việt Nam sau gần 20 năm xa quê hương, tôi đã phải mất gần 1 ngày để đi từ TPHCM về tỉnh Trà Vinh, là nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Hạnh phúc khi gặp lại người thân, bạn bè sau một thời gian dài xa cách, nhưng tôi cũng ray rứt khi nhìn thấy quê mình vẫn còn nhiều mái nhà tranh, nhiều bạn trẻ thiếu điều kiện học hành phải lên TPHCM tìm đường mưu sinh. Nghiên cứu khoa học và kinh doanh tại nước ngoài, tôi rất tự hào khi biết trí tuệ cũng như khả năng kinh doanh của người Việt không hề thua kém các nước phát triển trên thế giới.
Những em học sinh thông minh nhưng không có tiền đi học, những sinh viên xuất sắc không được tiếp cận với những chương trình học hiện đại, các ứng dụng mới để từ đó nâng cao trình độ… là những lãng phí rất lớn và đáng tiếc.
Đầu những năm 2000, việc kinh doanh của Công ty American Dye Source, Inc (ADS) - được thành lập năm 1997 tại Canada - liên tục phát triển khiến tôi rất bận rộn, nhưng suy nghĩ về việc làm điều gì đó thật sự ý nghĩa đối với quê hương Trà Vinh luôn thôi thúc trong tôi. Một người có tài phải tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội, đó là quan điểm của tôi.
Nhà khoa học chân chính luôn nỗ lực sử dụng trí tuệ của mình để đem lại những công trình nghiên cứu, ứng dụng để cuộc sống tốt đẹp hơn. Một doanh nhân giỏi tạo ra nhiều của cải cho xã hội bằng khả năng kinh doanh của mình với sự minh bạch cao nhất. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu các nhà khoa học và doanh nhân có thể giúp cho nhiều người có cơ hội tiếp cận với tri thức, cũng như cách kiếm tiền từ trí óc và sự lao động miệt mài.
Ý định đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất công nghệ vật liệu và vật tư ngành in tại Việt Nam bắt đầu thai nghén trong tôi. Trao đổi với bạn bè, không ít người bàn lùi hoặc cho rằng tôi… gàn. Gia đình tôi thì hiểu và ủng hộ nhưng rất ái ngại khi biết địa điểm đặt nhà máy ngay tại Trà Vinh, một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam.
Công ty có 400 nhân viên, xã hội có 400 việc làm. Nếu làm việc tốt và sống tốt, hạnh phúc sẽ đến với hàng trăm gia đình. Đó cũng chính là hạnh phúc của tôi, một doanh nhân với mong muốn góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. |
Vượt qua muôn vàn khó khăn, từ năm 2004 - 2006 tôi đã hoàn thiện được hệ thống nhà máy của mình. Ở tuổi ngoài 40, đã có sự thành công nhất định trong kinh doanh và khoa học, nhưng về Trà Vinh xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan, tôi như người mới bắt đầu khởi nghiệp.
Đối diện với hàng loạt thách thức, trong số đó lại không phải từ chuyên môn, đã khiến tôi có lúc chán nản. Chưa kể một số người nói nhà máy của Mỹ Lan thuộc ngành sản xuất gây ô nhiễm, độc hại…
Tôi đã mất không ít thời gian lý giải cho họ hóa chất có mặt trong cuộc sống của chúng ta như thế nào, từ dầu gội đầu, kem đánh răng, thuốc viên…
Tôi quyết định xây nhà của mình ngay trong khuôn viên của nhà máy để chứng tỏ quyết tâm cũng như những gì tôi nói là chính xác: không hề ô nhiễm hay độc hại mà trái lại là sự xanh-sạch-đẹp và hiện đại vượt chuẩn những nhà máy thông thường.
Tự hào trí tuệ người Trà Vinh
6 năm đi vào sản xuất-kinh doanh, bên cạnh những hoạt động nghiên cứu khoa học, Tập đoàn Mỹ Lan có khoảng 400 nhân viên cùng hàng trăm sinh viên đến học tập và thực tập. Nhiều vị khách khi đến tham quan Tập đoàn Mỹ Lan, ngoài sự ngạc nhiên về hệ thống nhà máy, trung tâm công nghệ, phòng thí nghiệm mà tôi đã dày công xây dựng, đã thắc mắc việc quản trị doanh nghiệp của tôi.
Họ hỏi tôi đã học qua trường lớp nào về kinh doanh hay chí ít cũng tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn hay chưa. Tôi cười và nói rằng tôi là “thợ đụng”, tức… đụng đâu làm đó. Và thú thực, tôi cũng rất hiếm khi đề cập đến những khái niệm kiểu như “quản trị” hay “kiểm soát”.
Một điều khiến tôi vô cùng tự hào là nhân viên của Mỹ Lan, mỗi ngày đến công ty làm việc với sự nỗ lực, trung thực được đặt lên hàng đầu. Hiện nay Mỹ Lan đã xuất khẩu công nghệ in CTP đến khoảng 10 nước trên thế giới, mà những nhân viên đi chuyển giao công nghệ là người Trà Vinh.
Đây là niềm tự hào cho trí tuệ của người Trà Vinh nói riêng và sự khẳng định trí tuệ của người Việt Nam nói chung. 5-6 năm trước, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí ở những trường đại học mà nhiều người không đánh giá cao, nhưng trải qua một thời gian làm việc tại Mỹ Lan, giờ đã trưởng thành về chuyên môn và liên tục được tiếp cận với những ứng dụng, chương trình khoa học mới.
Hồ Thủy tạ - một không gian xanh, sạch, đẹp tại Nhà máy của Tập đoàn Mỹ Lan. |
Một trong những yếu tố tạo nên sự tốt đẹp cho xã hội là sự trung thực của mọi người dành cho nhau và điều này tôi thường nhấn mạnh với các nhân viên. Từ khi về Việt Nam, tôi cũng đã gặp không ít tình huống bị gây phiền nhiễu mà nhiều người quen thường khuyên tôi nên đi “đường vòng” sẽ thuận tiện hơn nhưng tôi không đồng ý.
Mình không làm sai và mình làm bằng cái tâm và sự nỗ lực, sẽ đến lúc mọi người phải hiểu và công nhận. Tôi thường khuyên bảo nhân viên của mình phải trung thực và như vậy chính tôi phải là tấm gương đầu tiên. Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng trong công việc, bảo vệ sức khỏe của nhân viên luôn được tôi chú trọng. Có mạnh khỏe mọi người mới yêu đời và nỗ lực làm việc.
Với suy nghĩ này tôi thường xuyên tổ chức những buổi phổ biến cho nhân viên kiến thức để bảo vệ sức khỏe, cũng như hỗ trợ tối đa việc chữa trị mọi người khi đau ốm. Mỹ Lan còn kết hợp với các cấp chính quyền trong các chương trình đào tạo, cấp học bổng, xây dựng nhà tình nghĩa, xây cầu cho các nơi khó khăn, qua đó góp phần cho cuộc sống của mọi người được cải thiện, thanh thiếu niên có cơ hội học tập nhiều hơn.