Sau khi cung cấp tên và số tài khoản, ông Đ.T. nhận được tin nhắn từ đầu số của Vietcombank thông báo tài khoản của ông đã nhận được 877 USD, được quy đổi theo tỉ giá 22.796 đồng/USD nên số tiền của ông Đ.T nhận được là 20 triệu đồng.
Do kiểm tra không thấy số tiền này vào tài khoản nên khi tội phạm giả danh Western Union gửi email yêu cầu nhấp vào đường link để xác nhận ông Đ.T đã làm theo. Nhấp vào đường link, ông được yêu cầu cung cấp tên và mật mã.
Do tin là tin nhắn chuyển tiền được gửi từ chính ngân hàng ông Đ.T đã mất cảnh giác và cung cấp thông tin cho bọn tội phạm. Sau đó tội phạm tiếp tục lừa ông cung cấp mã OTP để lấy của ông Đ.T. tổng cộng hơn 59,2 triệu đồng trong tài khoản.
Sau khi đánh cắp tiền, bọn tội phạm đã tấn công và chiếm luôn tài khoản Facebook và Gmail của ông Đ.T trong vòng một ngày và xóa sạch dấu tích các email cũng như nội dung chat qua lại.
Tuy nhiên theo đại diện Vietcombank TP.HCM, tin nhắn này không phải do Ngân hàng gửi vì khác hẳn với các tin nhắn thông thường.
Hai điểm có thể thấy rõ nhất là ngân hàng không bao giờ gọi khách hàng bằng "bạn" mà là "quý khách" trong khi tin nhắn và ngân hàng không bao giờ làm tròn số khi quy đổi tỉ giá.
Chẳng hạn nếu 877 USD quy đổi theo tỉ giá 22.795 đồng/USD sẽ ra số tiền 19.991.215 đồng. Trong khi số tiền mà tin nhắn thông báo là 20 triệu đồng, tức là đã được làm tròn số.
"Như vậy có khả năng tội phạm đã cao tay hơn và có thể bằng cách nào đó chuyển tin nhắn giả đi từ chính số của tổng đài ngân hàng", đại diện Vietcombank TP.HCM nói.
Vị đại diện này cũng cho biết đã chuyển vụ việc Hội sở tại Hà Nội để Hội sở làm việc với nhà mạng đồng thời chuyển sự việc sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.
Phía ông N.Đ.T cũng yêu cầu ngân hàng làm rõ tin nhắn từ tổng đài, vì sao có chuyện tin nhắn giả có thể chuyển đi từ chính tổng đài của ngân hàng. Việc này cũng nhằm để tránh rủi ro cho các khách hàng khác trong tương lai.