Tổng cục thuỷ sản chỉ đạo tháo gỡ bất cập trong việc cấp giấy S/C

(ĐTTCO) - Để đảm bảo việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy S/C) đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển nhanh chóng gỡ các bất cập trong việc cấp giấy S/C.
Tổng cục thuỷ sản chỉ đạo tháo gỡ bất cập trong việc cấp giấy S/C

Trước đó, Tổng cục Thủy sản nhận được Công văn số 22/CV-VASEP ngày 15-3-2023 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Công văn số 67/TTCL4-CL ngày 16-02-2023 của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng IV kiến nghị liên quan đến một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện cấp giấy S/C.

Để đảm bảo việc cấp giấy S/C đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ cho các sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển và tổ chức quản lý cảng cá, các đơn vị liên quan.

Cụ thể, các sở NN&PTNT cần tăng cường thực hiện việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng (đặc biệt đối với cá ngừ, cá cờ kiếm), đảm bảo chính xác về thành phần loài, khối lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng của tàu cá theo quy định.

Thực hiện việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng trình tự, thủ tục. Không dùng các tiêu chí như: kích thước thủy sản cho phép khai thác, sản lượng tối đa cho phép khai thác, số ngày tối đa của chuyến biển để làm căn cứ thẩm định cấp giấy S/C (hiện nay pháp luật chưa quy định các nội dung này).

Trong trường hợp xác nhận nguyên liệu thủy sản cho tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản - không chuyển tải thì thời gian khai thác ghi trên giấy S/C là thời gian tính từ ngày thả mẻ lưới đầu tiên đến ngày thu mẻ lưới cuối cùng trong chuyến biển của tàu đánh bắt nguồn lợi.

Trường hợp xác nhận nguyên liệu thủy sản cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (chuyển tải/thu mua thủy sản từ tàu đánh bắt về cảng), thời gian khai thác được tính theo tàu đánh bắt đã chuyển/bán số lượng thủy sản cho tàu hậu cần, tính từ ngày thả mẻ lưới đầu tiên đến ngày thu mẻ lưới cuối cùng trong chuyến biển của tàu đánh bắt nguồn lợi đã thực hiện và chuyển/bán cho tàu hậu cần.

Trường hợp tàu đánh bắt hoạt động dài ngày trên biển, thực hiện nhiều đợt chuyển/bán thủy sản sang tàu hậu cần thì mỗi lần chuyển/bán được tính riêng theo lượng thủy sản tương ứng với thời gian khai thác của tàu đánh bắt.

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị các sở NN&PTNT tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các nghề khai thác thủy sản; nhận dạng thành phần loài thủy sản theo nghề; đặc trưng hoạt động khai thác của các nghề theo các vùng biển... Đối tượng là các cán bộ, nhân viên giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, xác nhận nguyên liệu thủy sản bốc dỡ tại cảng cá.

Mục đích của các lớp đào tạo này là nhầm nâng cao năng lực chuyên môn để thực hiện việc thẩm định cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Đồng thời đẩy nhanh thực hiện việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản điện tử và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và đồng bộ trong việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.

Các tin khác