Trả lời kênh truyền hình CNN hôm 14/9, Tổng thống Moon khẳng định: “Tôi không đồng ý việc Hàn Quốc cần phải triển khai vũ khí hạt nhân của riêng mình hay xây dựng lại vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa Triều Tiên”.
Mặc dù ông không ủng hộ việc triển khai hay theo đuổi vũ khí hạt nhân, Tổng thống Moon cho rằng Hàn Quốc cũng “nên cần phát triển năng lực quân sự trước sự tiến bộ của chương trình hạt nhân Triều Tiên”.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc gợi ý nên xem xét lại việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên.
Một bảng thăm dò gần đây của công ty Gallup cho thấy có đến 60% người tham gia bình chọn ủng hộ Hàn Quốc có riêng vũ khí hạt nhân nước mình, trong khi có 35% người phản đối.
Tuần tới, Tổng thống Moon sẽ có chuyến công du tới New York (Mỹ) tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh nghi ngờ xuất hiện “rạn nứt” trong mối quan hệ Hàn – Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump buộc tội người đồng cấp Moon đang tìm cách “nhân nhượng” Triều Tiên.
Bày tỏ trên dòng tin nhắn tweet, Tổng thống Trump chia sẻ: “Hàn Quốc sẽ nhận ra rằng, cuộc đối thoại nhân nhượng của họ với Triều Tiên sẽ không đem lại hiệu quả”.
Phản ứng trước lời chỉ trích của ông Trump, Tổng thống Moon cho rằng không nhất thiết phải hiểu câu tweet của ông ấy theo “nghĩa hẹp”.
“Tôi tin rằng Tổng thống Trump muốn nói rằng, không chỉ Hàn Quốc và Mỹ, mà Trung Quốc và Nga cũng phải cùng nhau phản ứng cứng rắn trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên”.
Trong năm nay, Bình Nhưỡng tăng cường các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân. Đầu tháng 9 vừa qua, chính quyền nước này đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, được tin là lần thử mạnh nhất và tuyên bố Triều Tiên có khả năng gắn một quả bom nhiệt hạch vừa khít tên lửa đạn đạo liên lục địa vươn xa tới Mỹ.
Phản ứng trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên, Hàn Quốc đẩy mạnh các cuộc tập trận và hoàn thành lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD gây tranh cãi của Mỹ. Sáng 13/9, các chiến đấu cơ Hàn Quốc thử nghiệm độ chính xác và tính hiệu quả của các tên lửa hành trình Taurus phóng từ trên không. Tên lửa hành trình Taurus có thể được sử dụng trong tình huống Seoul tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào láng giềng Bình Nhưỡng.