Cơ bản hoàn thành 33/38 chỉ tiêu
Báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Thủ Đức Trần Quốc Trung cho biết, qua rà soát, TP Thủ Đức cơ bản hoàn thành 33/38 chỉ tiêu theo Nghị quyết 05 của Thành ủy Thủ Đức, đạt tỷ lệ 86,84% (5 chỉ tiêu chưa đến kỳ đánh giá).
Trong 42 chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, có 36 nội dung thuộc thẩm quyền của TP Thủ Đức, hiện đã ban hành 25/36 nội dung, 11 nội dung đang thực hiện do vướng quy hoạch chung. TP Thủ Đức cũng đã hoàn thiện bộ máy theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Đồng chí Trần Quốc Trung cho biết, Thành ủy Thủ Đức cũng đã khẩn trương ban hành Kế hoạch về chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chọn 6 chi, đảng bộ cơ sở để tổ chức Đại hội điểm rút kinh nghiệm trước khi đại hội diện rộng ở cơ sở. Trong đó, Đảng bộ phường Bình Thọ thực hiện chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy.
Đến nay, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Thủ Đức lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 (lần 1) đã được Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức thảo luận và cơ bản thống nhất một số nội dung: về chủ đề đại hội; công trình trọng tâm, chương trình, đề án phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2025-2030...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Thủ Đức Trần Quốc Trung báo cáo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Quốc Trung, dự kiến trong cuối năm 2024 và đầu quý I năm 2025, Thành ủy Thủ Đức sẽ tiếp nhận thêm 7 tổ chức Đảng, nâng tổng số 124 tổ chức Đảng với khoảng 27.000 đảng viên. Với số lượng tổ chức cơ sở đảng quá đông gây khó khăn nhất định cho Thành ủy TP Thủ Đức, nhất là việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP Thủ Đức nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, chính quyền TP Thủ Đức có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách và có 4 Phó Chủ tịch UBND. Để đồng bộ giữa các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy và cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cùng cấp, TP Thủ Đức đề xuất thêm 1 phó bí thư phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Như vậy sẽ là 4 Phó Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.
Hạ tầng chưa thay đổi nhiều sau khi thành lập TP Thủ Đức
Từ yêu cầu của Bí thư Thành ủy TPHCM về đánh giá mặt được, chưa được trước và sau khi thành lập TP Thủ Đức, theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, một trong những điểm nhấn là tổ chức bộ máy. Trong đó có thành lập Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức. Qua gần 1 năm hoạt động, hơn 87,8% hồ sơ tiếp nhận tại trung tâm là trực tuyến, còn lại là trực tiếp, song chủ yếu là các hồ sơ không thể tiếp nhận trực tuyến được.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Mặt chưa được, theo đồng chí Hoàng Tùng, dễ nhận diện nhất là các nội dung liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng của TP Thủ Đức. Qua gần 4 năm, TP Thủ Đức chưa đầu tư được nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn. Các công trình được khánh thành gần đây chủ yếu là những dự án tồn đọng từ trước, còn lại là một số công trình mới bắt đầu triển khai, hiện chưa có sản phẩm.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng khẳng định, giai đoạn hiện nay đang là giai đoạn chuẩn bị và bước vào triển khai, giai đoạn 2025-2030 sẽ là thời gian đột phá, có nhiều sản phẩm cụ thể. TP Thủ Đức sẽ đưa các công trình trên vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thủ Đức nhiệm kỳ tới, góp phần làm thay đổi bộ mặt hạ tầng của TP Thủ Đức.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Một nội dung khác mà TP Thủ Đức đánh giá chưa được sau khi thành lập là con người. Trong đó, bộ máy vận hành chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa trơn tru. TP Thủ Đức đã sơ kết và tìm giải pháp để giải quyết, khắc phục hạn chế từ bộ máy, nhân sự, con người.
Năm 2024, TP Thủ Đức được giao số vốn đầu tư công là 10.389 tỷ đồng, TP Thủ Đức đặt mục tiêu đến hết hết năm 2024 sẽ giải ngân 90%. Trong đó, dự án đường Vành đai 2 là 7.600 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, TPHCM vừa ban hành bảng giá đất mới, trên cơ sở đó, TP Thủ Đức sẽ phê duyệt phương án bồi thường, gồm đơn giá bồi thường và nền tái định cư dự án Vành đai 2. TP Thủ Đức dự kiến bắt đầu lấy ý kiến người dân về đơn giá bồi thường dự án vào ngày 30-10. Sau khi lấy ý kiến người dân 30 ngày thì sẽ phê duyệt phương án bồi thường và tái định cư dự án, dự kiến sẽ giải ngân trước ngày 15-12.
Còn hơn 1,5 tháng để thực hiện, theo đồng chí Hoàng Tùng, nếu hoàn thành công tác bồi thường, giải ngân cho dự án đường Vành đai 2 thì công tác giải ngân vốn đầu tư công của TP Thủ Đức cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng có thêm 600 tỷ đồng giải ngân cho các dự án khác. Sau khi có bảng giá đất mới sẽ phê duyệt giá bán nền tái định cư cho người dân.