Bức thiết đến đâu và hiệu quả đầu tư thế nào là vấn đề quan trọng khi Quốc hội tiến hành thảo luận về việc bổ sung vốn từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015 đầu tuần này.
![]() |
Theo tờ trình của Chính phủ, 5 dự án mới sẽ được bổ sung xây dựng từ nguồn vốn TPCP gồm: cầu Năm Căn (Cà Mau); cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang); nhà ở sinh viên của Trường Đại học Trà Vinh; bệnh viện ung thư Đà Nẵng; đường ven biển tỉnh Ninh Thuận.
Nguồn vốn phân bổ cho 5 dự án được đề nghị bổ sung lần này nằm trong 13.000 tỷ đồng dự phòng trong tổng số 225.000 tỷ đồng được quy định trong Nghị quyết 12 của Quốc hội về tổng mức đầu tư TPCP giai đoạn 2011-2015.
Phản hồi việc này, đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) băn khoăn tại sao cho rằng 5 dự án đó là cần thiết phải bổ sung, trong khi dự án cầu Nhật Lệ 2 có một vị trí kinh tế, quốc phòng rất quan trọng, đã được phê duyệt nhưng lại không được bố trí vốn.
Xin lỗi 5 địa phương có dự án trước khi phát biểu, ĐB Lê Việt Trường (An Giang), nhìn nhận: “Nếu như nhất trí bổ sung 5 dự án trên, chúng tôi tự đặt mình vào tình thế rất khó xử sau kỳ họp này. Bởi kỳ này đi tiếp xúc cử tri, nơi chúng tôi ứng cử cũng có rất nhiều dự án rất bức xúc. Vì sao 5 dự án kia được vào, vì sao dự án nơi chúng tôi ứng cử cũng rất bức xúc như vậy lại không được bổ sung? Cho nên bây giờ bảo chúng tôi nhất trí thì rất băn khoăn”.
Một khía cạnh hạn chế của TPCP nói riêng, vốn ngân sách nhà nước nói chung, đó là “mang tiếng” dự án cần thiết phải đầu tư nhưng thực tế nhiều dự án không hiệu quả như thời gian kéo dài dẫn đến vượt dự toán.
Chẳng hạn, kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tại nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy Chính phủ không rà soát kỹ để loại bỏ các công trình, dự án không nằm trong danh mục Nghị quyết 12 của Quốc hội; chưa làm rõ các công trình, dự án không đưa vào chương trình TPCP và phương án xử lý hậu quả sau cắt, giảm, nên chưa phân rõ trách nhiệm của cơ quan sử dụng vốn nhà nước; còn thiếu kiểm soát, có tính bình quân xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến chỉ đạo thi công vượt khối lượng khá lớn so với số vốn được phê duyệt...
Trong bối cảnh “chiếc bánh” TPCP còn hạn hẹp và nhu cầu đầu tư lớn, dự án địa phương này được phân bổ, dự án địa phương khác không được duyệt, nên để các ĐB thông qua việc bổ sung 5 dự án trên là không dễ nếu chỉ dựa vào những ngôn từ “cần thiết, cấp bách”.
Bởi theo nhiều ĐB việc công khai, minh bạch các tiêu chí cụ thể để lựa chọn là vấn đề quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của việc lựa chọn các dự án. Đó cũng là một trong những biện pháp trong Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định nhằm giảm cơ chế xin - cho.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn TPCP cần được cân nhắc và bổ sung có trọng tâm vì cả nước có hàng trăm, hàng nghìn dự án cần được xem xét bổ sung nguồn vốn. Do đó, bên cạnh việc đưa ra các tiêu chí rõ ràng cho các dự án sử dụng vốn TPCP, các dự án phải mang tính quốc gia, cấp bách và cần chọn những dự án mang tính đột phá, góp phần kéo nền kinh tế đi lên.
Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng từ các nguồn khác, không phải từ ngân sách, như vậy sẽ hiệu quả hơn, chống thất thoát. Ngoài ra, Quốc hội cũng cần thường xuyên có các giám sát chuyên đề để giám sát chặt chẽ đảm bảo nguồn vốn TPCP được bỏ ra một cách hiệu quả nhất.