Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động nhất trong năm. Đây cũng là lúc mối lo về mất an toàn thực phẩm tăng cao.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các điểm bán tự phát và thực phẩm nhà làm vẫn chưa thể kiểm soát, gây lo ngại về mất an toàn.
Nhiều nguy cơ từ thực phẩm bán tự phát
Tết năm nay, chị Trần Bích Thảo (ngụ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) quyết định bán hạt điều, thịt bò khô từ quê nội Bình Phước và mứt dừa, mứt tắc từ quê ngoại Bến Tre gửi lên.
Chỉ sau 1 tháng đăng trên mạng xã hội, chị Thảo đã bán được 1 tạ hạt điều, 50kg bò khô, 50kg mứt các loại. Trước Tết 2 tuần, chị đã phải thông báo ngưng nhận đơn do người nhà không kịp sản xuất. Chị Thảo cam kết các sản phẩm chị bán đều do người thân tự chế biến, không chất bảo quản độc hại, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Bán hàng đặc sản nhà làm, hay còn gọi là thực phẩm handmade là trào lưu những năm gần đây và ngày càng được ưa chuộng.
Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận hầu hết các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới dạng thực phẩm nhà làm thường không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Việc mua bán chủ yếu dựa vào niềm tin. Đến nay, các cơ quan quản lý vẫn khó kiểm soát hoạt động này.
Theo ông Lê Minh Hải, dù được đảm bảo bằng uy tín cá nhân nhưng nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm nhà làm vẫn có thể xảy ra. Bởi vì sự không ổn định về chất lượng giữa các lần sản xuất do nguyên liệu đầu vào, phụ gia sử dụng không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng, không có quy trình sản xuất cụ thể. Tiếp đó là phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát. Chất lượng nguyên liệu đầu vào và thành phẩm không được kiểm tra, giám sát định kỳ…
Vì vậy, hình thức kinh doanh thực phẩm nhà làm qua mạng xã hội tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, là mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Cùng với thực phẩm nhà làm, thực phẩm bán ở các điểm tự phát ngày càng nở rộ trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Ngay tại 3 chợ đầu mối lớn của Thành phố Hồ Chí Minh (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) đều có hàng trăm điểm bán “ăn theo” buôn bán nhộn nhịp. Thậm chí, gần Tết Nguyên đán, nhiều loại thực phẩm như bánh, mứt, nước giải khát sẽ “đổ bộ” xuống lề đường, vỉa hè.
Trong quá trình kiểm tra, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, lo ngại trong các chợ, đơn vị đã phối hợp cùng Ban Quản lý chợ kiểm tra, giám sát thường xuyên chất lượng thực phẩm về chợ mỗi ngày; trong đó, các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm đều phải rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các điểm bán tự phát, lực lượng chức năng không thể kiểm soát được.
Lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố thừa nhận, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, các điểm bán tự phát mọc lên như “nấm sau mưa.”
Đến nay vẫn chưa có cơ chế phối hợp xử lý. Vấn đề này không thể giải quyết được chỉ với một đơn vị riêng lẻ. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
Siết chặt kiểm soát thực phẩm cuối năm
Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao dịp Tết Nguyên đán, để đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường an toàn, ngay từ tháng 12/2022, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã triển khai nhiều đợt tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn.
Hàng hóa bày bán trong siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lực lượng chức năng chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… cùng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Bên cạnh đó, nỗ lực tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, đủ tiêu chuẩn, đến nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố đã kết nối được với 15 tỉnh, thành khu vực phía Nam lập ra các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, kinh tế của nhiều người dân khó khăn dẫn đến xu hướng chọn mua thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc tại những điểm bán tự phát là điều khó tránh khỏi. Điều này gây ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dễ xảy ra các sự cố liên quan đến thực phẩm.
Do vậy, người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết, mua hàng ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân.