TP.HCM cần 25 tỷ USD để hoàn thành 200km metro vào năm 2035

(ĐTTCO)-Trong 12 năm tới, TP.HCM phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200 km, chưa kể các tuyến sẽ được bổ sung vào Đồ án quy hoạch chung sắp tới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Thành phố trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
TP.HCM cần 25 tỷ USD để hoàn thành 200km metro vào năm 2035

Chiều 31/7, Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và Viện Nghiên cứu phát triển TP (HIDS) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM”, để khẩn trương triển khai thực hiện mục tiêu tại Kết luận 49–KL/TW của Bộ Chính trị là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo “Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035”.

Sơ đồ các tuyến metro tại TPHCM (Ảnh: H.K)

Theo đó, trong 12 năm tới, TP.HCM phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200 km, chưa kể các tuyến sẽ được bổ sung vào Đồ án quy hoạch chung sắp tới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Thành phố trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây là cơ hội, là công cụ lớn đối với Thành phố nói chung, trong đó có lĩnh vực hạ tầng giao thông trọng yếu - Đường sắt đô thị, nhằm hiện thực hóa Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cũng xác định, công cụ này là chưa đủ. Do đó gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Ban phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Thành phố (HIDS) và Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) cùng một số sở ban ngành của TP thành lập Tổ xây dựng Đề án triển khai Kết luận 49, do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng. Đề án này sẽ được báo cáo lên Bộ Chính trị và Quốc hội, nhằm đưa ra các đề xuất để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tiến độ thi công…Đó sẽ là cơ sở cho việc hoàn thành nhanh mục tiêu của Kết luận 49 đối với đường sắt đô thị TP.HCM.

Các chuyên gia tham gia trực tiếp và trực tuyến tại tọa đàm đã trao đổi, thảo luận các đề xuất theo các lĩnh vực trọng yếu như: Quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; Nguồn lực tài chính; Thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; Tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; Mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực…

Trong đó, công tác quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị cần có khoảng 25 tỷ USD chậm nhất vào năm 2028. Cần thực hiện thu hồi đất ngay khi dự án được phê duyệt quy hoạch; xây dựng tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị phải được hoàn thành trong vòng 7-8 năm. Phương án tổ chức thi công, phương án cung cấp vật tư thiết bị hoàn toàn mới, khác biệt với cách làm tương tự như hiện nay…

Đặc biệt, các chuyên gia nhận xét, việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) là giải pháp căn cơ để tạo ra nguồn lực tài chính lớn thông qua việc khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; đồng thời chỉnh trang toàn bộ cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại.

Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng thời gian đến 2035 để thực hiện 200 km đường sắt đô thị là rất gấp rút, do đó đề nghị cần sớm xây dựng đề án tổng thể về triển khai Kết luận 49. Việc xây dựng các tuyến mới cần phải làm chủ được công nghệ và phải có quyết tâm chính trị rất lớn mới làm được.

Các tin khác