Điều này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các phiên thảo luận, cho rằng TPHCM với quy mô và các dự án thuộc dạng chiến lược, trọng điểm không chỉ của TP mà của cả nước, nên thời gian 5 năm là quá ngắn.
Cần thời gian dài để ổn định
Từ thực tế Nghị quyết 54 (NQ54) cho thấy, thời gian 3 năm hầu như chưa triển khai được gì nhiều. Bên cạnh đó, TPHCM nhận thấy để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 như NQ31-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, thời gian thực hiện của NQ mới chỉ 5 năm là tương đối ngắn, trong khi số lượng công việc để triển khai NQ rất lớn.
Nhiều cơ chế chính sách cần có thời gian để triển khai, từ đó mới đánh giá được đầy đủ tính hiệu quả của chính sách (như các cơ chế về TOD, PPP, phát hành trái phiếu với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp...).
Hơn nữa, một số chính sách cần có sự ổn định lâu dài để có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia (ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; chính sách hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP).
Đặc biệt, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật lớn như giao thông, cảng biển, cao tốc liên vùng, đường vành 3, 4 cần thời gian dài bắc qua vài ba nhiệm kỳ lãnh đạo để thực hiện. Chính vì thế, trong phiên thảo luận ngày 30-5, Chủ tịch UBND TPHCM đã đề cập đến việc Quốc hội cần tính toán xây dựng và ban hành Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM.
Định hướng Luật Đô thị đặc biệt
Trên thế giới, việc một quốc gia ban hành luật đặc biệt (hay luật riêng rẽ) cho một vùng lãnh thổ là chuyện bình thường, chẳng hạn như luật đặc khu kinh tế, luật khu tự trị, luật khu đặc biệt cho một số sắc tộc.
Trung Quốc là nước có thể chế chính trị gần với ta cũng có những luật riêng biệt như vậy. Thí dụ, luật dành riêng cho Hồng Kông, Ma Cao sau khi thu hồi từ Anh và Bồ Đào Nha. Hoặc để tạo sự phát triển vượt trội, nước này ban hành luật dành riêng cho một số khu vực như Thâm Quyến, Chu Hải, Hạ Môn, Hải Nam, Thượng Hải Mới.
Các nước láng giềng cũng có luật vùng đô thị, như luật vùng đô thị Metro Manila (Philippines), vùng đô thị Jabotabek (Indonesia), vùng đô thị Klang (Malaysia), vùng đô thị Bangkok (Thái Lan)… Những nơi này được hưởng những quy chế đặc biệt trên nền tảng Hiến pháp và hành lang pháp lý quốc gia thống nhất.
Việt Nam có gần 900 đô thị, nhưng chỉ có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Vậy nhưng, Hà Nội có Luật Thủ đô, còn TPHCM vẫn nằm trong “luật chính quyền địa phương” giống như các tỉnh thành khác. Vì thế, TPHCM cần có luật đặc biệt dành riêng cho mình, bởi NQ chỉ là văn bản dưới luật, tức có thời hạn ban hành và kết thúc, cũng như luôn được điều chỉnh theo từng giai đoạn.
Tất nhiên, việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt không phải có ngay một sớm một chiều mà là quá trình đầu tư nghiên cứu, ban hành đúng thời điểm, nhưng cũng không nên quá muộn, khi yêu cầu thực tiễn đang đặt ra cấp bách. Do vậy, ngay từ khi ban hành NQ mới cho TPHCM, Quốc hội và TPHCM cần bắt tay ngay vào việc định hướng và xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM, và có thể sau này cho Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, bởi xu hướng mở rộng quy mô đô thị là khó tránh khỏi.
Đầu tư hạ tầng cơ sở cần có chính sách ổn định trong khoảng thời gian dài. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Từ xu hướng của các nước phát triển trên thế giới, cho thấy Luật Đô thị đặc biệt luôn có độ mở lớn và linh hoạt, tất nhiên nó phải được vận hành trên hành lang pháp lý với các nguyên tắc cứng bất di bất dịch. Chẳng hạn, TPHCM thay vì là địa phương phụ thuộc, chịu sự chi phối toàn diện từ Trung ương theo mô hình “tập trung hóa cao” và “kế hoạch hóa tập trung, thống nhất theo chiều dọc”, sẽ trở thành đối tác của Chính phủ.
Khi này mọi kế hoạch, chương trình không phải theo cơ chế xin cho nữa, mà là hợp đồng và cam kết mang tính pháp lý cao.
Trách nhiệm cho TPHCM
Theo đó, hàng năm TPHCM phải đóng góp cho ngân sách quốc gia theo luật dưới hình thức khoán gọn, chẳng hạn bao nhiêu % tổng thu hay một con số cụ thể theo từng mỗi giai đoạn từ 3-5 năm, sau khi hoàn thành khoán, số còn lại TPHCM đưa vào đầu tư phát triển. Và khi TPHCM thực hiện các dự án lớn mà nguồn huy động không đủ sẽ vay Chính phủ (không xin phân bổ) và trả lãi với ưu đãi theo hợp đồng. Tương tự, khi Chính phủ đầu tư các dự án trên địa bàn TPHCM có thể hợp đồng thuê khoán TP thực hiện.
Bên cạnh đó, người đứng đầu của TPHCM cùng với các bộ phận chức năng được quyền “lập quy” (không được quyền lập hiến, lập pháp), tức lập ra các quy định như thuế, phí trên địa bàn của mình; thành lập các tổ chức kinh tế-xã hội mới như Sở An toàn thực phẩm (không được lập các tổ chức chính trị, đảng phái); được quyết định biên chế công chức và mức lương dựa theo ngân sách TP, cũng như các kế hoạch liên quan đến quy hoạch không gian, khu dân cư mới không cần phải trình báo, miễn là đúng với pháp luật và nằm trong hành lang pháp lý quốc gia.
Lúc này, các bộ, ngành sẽ đóng vai trò chủ yếu là quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng và chuyển từ cơ quan đóng vai trò chỉ đạo, ra quyết định sang tổ chức “phục vụ” và hỗ trợ cho TP đặc biệt hoàn thành các chương trình phát triển. Trong một số trường hợp cần thiết, TP đặc biệt có thể mời các bộ chức năng tham gia với tư cách là cố vấn hay đánh giá, thẩm định.
Ý tưởng trên không có gì mới trên thế giới. Thực tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận ra vấn đề và đề cập đến trong các phiên thảo luận về NQ mới cho TPHCM. Luật Đô thị đặc biệt (nếu có) sẽ giúp TPHCM an tâm trong khi hành động và phát triển trong tâm thế bền vững. Bất cứ TP lớn nào trên thế giới cũng muốn phát triển năng động trong trạng thái bình ổn, cân bằng, không phải trong trạng thái liên tục phải “xé rào”, “bứt phá”.
Còn công chức hoạt động theo chức năng công vụ, không cần đòi hỏi lòng dũng cảm hay bị gạt ra ngoài vì hèn nhát. Và người dân cũng không muốn TP mình mãi là “phòng thí nghiệm”.
Nhiều cơ chế chính sách cần có thời gian để triển khai, từ đó mới đánh giá được đầy đủ tính hiệu quả của chính sách. Hơn nữa, một số chính sách cần có sự ổn định lâu dài để có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia.