Chiều 25-6, tại Hà Nội, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ban Đảng, bộ - ngành Trung ương góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện Thường trực UBND thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Thành ủy. Tham dự hội nghị có đại diện 27 Ban Đảng, bộ ngành Trung ương.
Hội nghị chiều 25-6
TPHCM cần có những thiết chế văn hóa xứng tầm
Phát biểu góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, lãnh đạo các bộ ngành TƯ đều bày tỏ ấn tượng với những thành quả mà TPHCM đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời đánh giá cao dự thảo báo cáo Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.
Đồng chí Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công An đánh giá, dự thảo báo cáo được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, khái quát được kết quả đạt được, rút ra được 5 bài học rất xác đáng không chỉ với TPHCM mà với các địa phương khác. Báo cáo đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, trong đó có các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng. “Nếu báo cáo các đảng bộ địa phương khác cũng thể hiện được cụ thể, sát tình hình như TPHCM sẽ rất tốt”, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam đánh giá.
Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng dự thảo báo cáo đã thể hiện được tình hình, lĩnh vực này của TP không chỉ có chuyển biến tích cực mà có những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội. Nổi bật của TPHCM là 5 năm qua, TP đã giữ được ổn định chính trị dù là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. TP đã chủ động phát hiện đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ các tội phạm, nhất là tội phạm hội nhóm trên mạng thì TPHCM là địa phương đi đầu cả nước, đã hình thành tổ chức chuyên trách về tội phạm mạng, Bộ Công an đánh giá rất cao. TPHCM là một trong 2 địa phương tới đây sẽ thành lập Phòng an ninh mạng. Việc giữ được môi trường ổn định đã giúp TPHCM đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam mong TPHCM phát huy được thế mạnh của mình về vị trí, địa thế chính trị, yếu tố con người, đó là điều mà các địa phương khác rất mơ ước. TPHCM là nơi tập trung nhiều người giỏi, do đó cần tận dụng, phát huy được thế mạnh này. TP cần giữ được môi trường ổn định về chính trị để bảo đảm môi trường cho các nhà đầu tư đến làm ăn, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.
“Mục tiêu, khát vọng của TP rất lớn. Chỉ mong TP ngoài việc trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại ổn định, còn là một trung tâm về văn hóa. TP phải có những công trình văn hóa lớn để lại giá trị cho con cháu các đời sau. Khi bàn để xây dựng các công trình văn hóa lớn hay vấp phải ý kiến của dư luận, nhưng mong trong nhiệm kỳ mới, TP sẽ có một số công trình văn hóa lớn ghi lại dấu ấn của TP”, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam nêu ý kiến.
Đồng chí Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá TPHCM là địa bàn trọng điểm, nhưng thời gian qua đã chủ động trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, giữ ổn định về an ninh chính tri, bảo đảm cho thu hút đầu tư, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
“TPHCM đầu tư mạnh cho các công trình quốc phòng, là địa bàn phòng thủ quân sự vững chắc, đây là kết quả nổi bật của TPHCM trong nhiệm kỳ qua. Trong nhiệm kỳ tới, TPHCM cần tiếp tục làm tốt việc kết hợp phát triển kinh tế với thế trận lòng dân vững chắc”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thế thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh, TP cần có những thiết chế văn hóa lớn để xứng tầm vai trò đầu tàu của cả nước. TPHCM cần phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế và văn hóa, trong đó có phát triển con người, đây nên là đột phá quan trọng của TP trong nhiệm kỳ mới. “Báo cáo cần cụ thể hóa được thành những chương trình hành động về xây dựng con người văn hóa mới”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thế thao và Du lịch nêu.
Cũng theo ông Lê Quang Tùng, rất cần xây dựng văn hóa con người TPHCM có lối sống văn minh, năng động, phù hợp với một TPHCM năng động, sáng tạo để cả nước học theo. Bên cạnh đó, TPHCM có lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, mọi hoạt động văn hóa sôi động nhất đều diễn ra ở TPHCM. Trong những năm tới, công nghiệp văn hóa sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các dịch vụ phát triển. TPHCM đang có thế mạnh về nguồn lực, con người để phát triển lĩnh vực này, do đó TP nên phát triển các công nghiệp văn hóa và sáng tạo, tạo tiền đề cho các địa phương lân cận, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ phát triển theo. TPHCM cũng đang có những lợi thế để quảng bá, phát triển các thương hiệu đặc sắc của TP, ví dụ như TP sáng tạo về âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực.
Cần có 1 quy hoạch mang giá trị cả trăm năm sau
Ở khía cạnh môi trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, quỹ đất TPHCM không còn nhiều, do đó TP cần hướng phát triển ra mặt biển. Đó là vấn đề phát triển không chỉ TPHCM mà là kết nối phát triển vùng, quốc gia, để phát huy hết vị trí địa lý rất thuận lợi của TPHCM. Mặt khác, tương lai không xa, TPHCM cũng đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngầm, hiện đã có nhiều nơi sụt lún do khai thác nước ngầm, đó là vấn đề sống còn của TP, do đó phải có giải pháp để xử lý căn cơ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thách thức của TPHCM còn bao gồm về môi trường nước, không khí, chất thải rắn chứ không đơn thuần chỉ là thách thức về dân số. TP cần đề ra các chỉ tiêu sát hơn về khoa học công nghệ, về xử lý rác thải với những giải pháp đồng bộ. TPHCM cũng cần có chính sách để thu hút nhân lực chất lượng cao, người giỏi về thành phố. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, tỷ lệ về hạ tầng giao thông của TPHCM còn quá thấp, cần đặt mục tiêu cao hơn. Muốn xây dựng đô thị thông minh thì hạ tầng giao thông phải cao, phải tính toán rõ chỉ tiêu này. Bên cạnh đó là chỉ tiêu về cây xanh xuyên suốt từ đô thị xanh, công viên, hành lang xanh..
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, TP nên quyết tâm cao để xây dựng 1 quy hoạch mang giá trị cả trăm năm sau, trong đó có quy hoạch về sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, tỷ lệ giao thông, cây xanh, biến đổi khí hậu... Khi có quy hoạch thì sẽ xây dựng được các giải pháp đầu tư. Song song đó là có kế hoạch kết nối phát triển vùng.
“TPHCM phát triển bền vững hay không thì vấn đề bảo vệ môi trường rất quan trọng, TP cần có chương trình để cải thiện môi trường nước, không khí, đó là vấn đề liên quan rất lớn đến thu hút đầu tư. Chúng ta cũng cần có một cơ chế để TPHCM vận hành một cách tốt nhất. Muốn thế phải có một bộ máy vận hành tốt, một quản lý quy hoạch thông minh”, Bộ trưởng góp ý. Ông mong TPHCM đi trước cả nước về việc có một quy hoạch thông minh, thế mạnh con người và nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực về đất đai.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ ấn tượng với những thành quả của TPHCM trong nhiệm kỳ qua, trong đó có lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, chấn chỉnh kỷ luật xây dựng và chỉnh trang đô thị; có nhiều dự án đô thị nhà ở xanh, góp phần tạo nên bộ mặt văn minh, hiện đại.
Thứ trưởng mong TP quan tâm hơn về vấn đề quy hoạch xây dựng, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Quan tâm đến kết nối vùng. Phát triển các đô thị sáng tạo phía Đông thành phố; thực hiện tốt quy hoạch kiến trúc để bảo đảm không gian TP.
Về lĩnh vực đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị TPHCM cần phát triển đề án đô thị thông minh bền vững; phát triển tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp; phát triển thị trường bất động sản bền vững; cải tạo các chung cư cũ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, TP vẫn giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Các giải pháp, chỉ tiêu cho nhiệm kỳ tới cũng được TP đặt ra khá cụ thể. Phó Thống đốc đề nghị TP cần chỉ rõ những ngành nghề nào có khả năng phát triển, sẽ đóng góp mạnh vào tăng trưởng của TP; cũng như làm rõ thêm kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc gia tại TPHCM.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, trong số các chỉ tiêu cho nhiệm kỳ tới cần có thêm chỉ tiêu về xây dựng đô thị thông minh, tỷ lệ phát triển nền kinh tế số trong tăng trưởng; phát triển xanh (bao gồm cả chỉ tiêu về chất lượng không khí..). Phương hướng phát triển TP nên hoàn thiện thêm về vấn đề phát triển thể chế, xây dựng bộ máy chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn, chấp hành pháp luật của đảng viên, cán bộ công chức, doanh nghiệp, người dân TP. Song song đó, cải thiện các điều kiện để thực thi pháp luật, công vụ.
TPHCM phải là một trung tâm có tầm khu vực và toàn cầu
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, cần xác định rõ TPHCM là một trung tâm có tầm khu vực và toàn cầu, muốn thế phải xác định tâm thế, đặt mục tiêu TPHCM là trụ cột của ổn định, phát triển và liên kết khu vực, toàn cầu. Cần đặt nhiệm vụ đối ngoại ở tầm cao hơn, năng động, hiện đại sáng tạo vì người dân và doanh nghiệp.
Còn Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh mong muốn TPHCM bứt phá về thương mại điện tử, đưa TP trở thành trung tâm kinh tế hiện đại.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, TPHCM cần định vị được mình so với chính mình trong giai đoạn trước, với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, cả nước và so với quốc tế. TPHCM cần đề ra tầm nhìn xa hơn, định vị ở khu vực.
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn góp ý cần giải quyết sớm điểm nghẽn về hạ tầng giao thông; tình trạng băng nhóm tội phạm, xã hội đen trên địa bàn TPHCM. Để phát triển nhanh và bền vững, cần có cách làm mới, tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ cao, công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển xanh. TP cần lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để đấy mạnh phát triển, tăng cường liên kết vùng để cùng các địa phương hợp tác phát triển.
“TPHCM cần hướng tới là một trung tâm phát triển hiện đại của khu vực Đông Nam Á, chứ không chỉ riêng cả nước. Đó cũng là kỳ vọng của cả nước đối với TPHCM”, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng góp ý.
Phó Trưởng ban Thường trực Đối ngoại Trung ương Nguyễn Huy Tăng mong muốn TPHCM tiên phong hoàn thành việc xây dựng đô thị thông minh với lộ trình cụ thể, sớm, để cả nước đi theo. Báo cáo cũng cần đánh giá rõ biến động của thế giới hiện nay, có nhiều tác động đến Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, mà rõ nhất là tác động của sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng lớn; tác động của đại dịch Covid-19 với sự dịch chuyển đầu tư của thế giới, do đó cần có giải pháp để đón đầu dòng vốn đang dịch chuyển, trở thành mắc xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với tình hình này, tăng trưởng thế giới sẽ theo hình chữ U, đáy tăng trưởng kéo dài, do đó cần xác định rõ các giải pháp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, giao thông đang là điểm nghẽn đối với phát triển TPHCM nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng. TPHCM hiện mới chỉ có 2 tuyến cao tốc. TPHCM cần chủ động lập kế hoạch xây dựng các tuyến đường kết nối vùng kèm cơ chế bổ sung nguồn vốn để có thể triển khai dự án sớm.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương kiến nghị phải đánh giá rõ xu thế của thế giới sau dịch Covid-19, với nhiều thách thức cũng như cơ hội đặt ra. Trong đó cơ hội thu hút, đón dòng đầu tư FDI mới là rất rõ ràng, TP cần chớp lấy cơ hội này. Cùng với đó là cơ hội hợp tác với các nền kinh tế lớn mà TPHCM có lợi thế hơn nhiều địa phương khác.
“Nhiều nhà đầu tư lớn đang tìm địa điểm mới để chuyển dịch đầu tư. TPHCM cần có định hướng quyết tâm xây dựng thành công Trung tâm tài chính trong nhiệm kỳ tới. Song song đó, kết nối và lan tỏa tăng trưởng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, trong bất cứ hoàn cảnh nào, TPHCM cũng giữ vai trò đầu tàu cả nước, do đó cần xây dựng được quy hoạch phát triển thật phù hợp, nếu có quy hoạch tốt sẽ phân bố được nguồn lực đầu tư hợp lý. Theo đó, cần làm sớm quy hoạch TPHCM để triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ví dụ hiện nay TP còn đất nông nghiệp nhiều nhưng đóng góp của nông nghiệp không nhiều, vậy có thể quy hoạch lại ra sao cho hiệu quả. Hay nếu có danh mục các dự án giao thông kết nối với nguồn vốn đầu tư rõ địa chỉ thì sẽ được đẩy nhanh. “Quy hoạch và xây dựng hạ tầng giao thông của TPHCM là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của TP”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nêu.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đột phá lớn nhất vẫn phải là vấn đề thể chế. Nếu không có quy định về phát triển vùng thì TPHCM và khu vực phía Nam rất khó phát triển mạnh. Về vấn đề phân bổ nguồn lực, hiện TPHCM ngân sách được giữ lại 18% trong khi Hà Nội gấp đôi là 35%.
“Điều này sẽ không tạo động lực cho phát triển. TPHCM đóng góp ngân sách lớn, xã hội hóa lớn nhưng được chi ít. TPHCM cần kiến nghị để trở lại cơ chế trước đây”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu. Ông cũng cho rằng, khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc gia tại TPHCM, phải có thể chế để cho định chế tài chính này phát triển.
Con đường phát triển của TP phải là khoa học công nghệ và sáng tạo
Phát biểu về các ý kiến góp ý, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn những góp ý tâm huyết, sâu sắc của lãnh đạo các bộ ngành. TPHCM sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu cao nhất, để TPHCM vì cả nước, cùng cả nước.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, các ý kiển nổi lên vấn đề đầu tiên là TPHCM cần định vị TPHCM so với giai đoạn trước đây, so với vùng cả nước, với khu vực và thế giới. Phải có tâm thế như vậy mới có chiến lược, tầm nhìn phát triển của TPHCM. Do đó, TPHCM sẽ tiếp thu, rà soát và thể hiện trong báo cáo.
Thứ hai, con đường phát triển của TP phải là khoa học công nghệ và sáng tạo, phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0; chỉ có như vậy TP mới phát triển bền vững, đột phá; tăng năng suất lao động.
Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, hiện nay năng suất lao động của TP gấp 2,2 lần bình quân cả nước, nhưng năng suất lao động ở khu công nghệ cao gấp 30 lần năng suất lao động bình quân cả nước, cho thấy nếu ứng dụng khoa học công nghệ thì năng suất rất cao. Khi đã xác định con đường phát triển đó thì TPHCM sẽ xác định được vấn đề quy hoạch và nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực đất đai. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đất đai lại chiếm tới hơn 50%; vừa qua TPHCM đã xin ý kiến Chính phủ để điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất nhằm sử dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới. Nguồn lực rất lớn khác là đội ngũ con người năng động, sáng tạo của TPHCM, cần đẩy mạnh và phát huy nguồn lực này. Song song đó, TPHCM phải gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ để cùng phát triển. Một nguồn lực khác nữa là thể chế. TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ chế, chính sách để khơi dậy được nguồn lực lớn trong nhân dân và doanh nghiệp.
Tiếp thu về việc TPHCM phải có những thiết chế văn hóa xứng tầm, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết tới đây sẽ xây dựng Nhà hát Giao hưởng TPHCM, Nhà hát ca múa nhạc, Rạp xiếc. Bên cạnh đó sẽ có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành trung tâm công nghiệp văn hóa.
Các ý kiến đề nghị TPHCM phải có chương trình phát triển các ngành chủ lực, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã có chương trình phát triển 4 ngành chủ lực, danh mục các sản phẩm chủ lực. Với 420.000 doanh nghiệp, TPHCM cũng đã có chương trình phát triển doanh nghiệp; có Hội đồng ngành để gắn kết với doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, khích lệ khởi nghiệp. TPHCM cũng sẽ thành lập Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo nhằm giúp đưa các đề tài nghiên cứu đi vào ứng dụng.
“TPHCM là nơi phù hợp để trở thành trung tâm tài chính quốc gia, TP sẽ kiến nghị để đưa vào chiến lược phát triển quốc gia trong nhiệm kỳ tới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết.