Vì vậy, TPHCM cần đón những cơ hội vàng này, nhưng cũng phải có giải pháp chống lại sự trục lợi trong đại dịch của các công ty nước ngoài thông qua thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu.
Quang cảnh buổi làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với TPHCM về việc phát triển kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, cùng các đồng chí lãnh đạo UBND TPHCM và các sở - ngành.
Điểm sáng trong khó khăn dịch bệnh
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định, TPHCM là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng đối với cả nước, cả kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học - công nghệ. Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đô thị 10 triệu dân là hết sức năng động, quyết liệt và thành công.
Mặc dù tình hình của thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song TPHCM luôn năng động, sáng tạo, có nhiều mô hình kinh doanh mới, tốt cho nền kinh tế không bị đổ gãy; đã phát huy truyền thống thành phố nghĩa tình, tương thân tương ái, trong đó có “ATM gạo” cho người nghèo cũng như các hình thức hỗ trợ của nhiều doanh nhân.
“Đây cũng là một trong những địa phương triển khai sớm nhất gói hỗ trợ an sinh xã hội. Đến nay, phần lớn đối tượng khó khăn đã được quan tâm xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, TPHCM chiếm khoảng 22-23% GDP của cả nước, chiếm 25% ngân sách cả nước, 33% dịch vụ cả nước… Vì vậy, nếu TPHCM suy giảm sâu về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm thu ngân sách.
Thủ tướng khẳng định, sau khi rà soát lại thì TPHCM tăng trưởng trong quý 1-2020 là 1,03% (số liệu báo cáo trước đó chỉ đạt 0,42%). Như vậy, tăng trưởng GDP trong quý 1-2020 của cả nước sẽ cao hơn 3,82%, nhưng tốc độ như vậy cũng là thấp.
Trước vị trí, vai trò của TPHCM, Thủ tướng đặt vấn đề về những giải pháp phát triển TPHCM trong thời gian tới, trong đó Trung ương phải chỉ đạo để tạo điều kiện, nhất là các công trình kết nối cho TPHCM.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ lắng nghe kiến nghị của TPHCM để có những biện pháp, quyết sách giải quyết kiến nghị của TPHCM, tháo gỡ vướng mắc cho TPHCM, với tinh thần là TPHCM phải hướng đến đô thị hiện đại, điển hình của khu vực và thế giới trong thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, trong 4 tháng đầu năm, dịch Covid-19 tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, hoạt động thu ngân sách gặp khó khăn (đạt 120.703 tỷ đồng, giảm 9,88% so với cùng kỳ); tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chỉ được 1,3 tỷ USD (giảm 44,8% so với cùng kỳ). Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động là 6.173 doanh nghiệp (tăng 37,3%) và giải thể là 1.640 doanh nghiệp (tăng 17,8%) so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội TPHCM vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Đó là dù tốc độ tăng GRDP giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong GDP cả nước. Tổng thu ngân sách giảm, nhưng chiếm khoảng 25% của cả nước và giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 4.270 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ). Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,1%).
“Điều này cho thấy, TPHCM vẫn có những yếu tố tích cực là tiền đề để tiếp tục phát triển nhanh hơn trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Sắp tới, TPHCM tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch Covid-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh, đồng thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. TPHCM sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, TPHCM nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn, diễn biến dịch Covid-19. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để cách ly và xét nghiệm đối với số lượng người Việt Nam tại nước ngoài trở về và các chuyên gia nước ngoài quay lại TPHCM làm việc. Cùng với đó, tiếp tục triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 với các gói hỗ trợ hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã triển khai chi trả hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 gần 700 tỷ đồng; triển khai các giải pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về việc khôi phục, phát triển kinh tế, TPHCM triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với 5 nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, TPHCM hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 đến tháng 6 năm 2020), hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.
Cùng với đó, TPHCM thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu…
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM cũng xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP của thành phố nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất có thể.
Ngoài ra, TPHCM cũng xây dựng kịch bản với những giải pháp phù hợp và chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM luôn xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm vì cả nước cùng cả nước. Sự phát triển của TPHCM cũng chính là sự đóng góp thiết thực và quan trọng vào thành quả phát triển chung của cả nước. “TPHCM quyết tâm chung tay đoàn kết, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn trước tác động của dịch Covid -19 để thực hiện có hiệu quả cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020”, người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh.
Theo đó, trong thời gian tới, TPHCM sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; triển khai làm việc với các cơ quan Trung ương để hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỷ lệ % phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2; đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế… Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo để TPHCM thực hiện tốt các nội dung khắc phục khó khăn, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng mục tiêu đề ra.
Cảnh báo công ty nước ngoài “thâu tóm doanh nghiệp”
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, TPHCM cần tập trung kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh lây lan trong thời gian tới. Cùng với đó, TPHCM cần tập trung phục hồi kinh tế, đảm bảo là đầu tàu tăng trưởng của khu vực, đóng góp vào tăng của kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TPHCM chủ động tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kể cả biện pháp kích cầu, tiêu dùng hoặc có những biện pháp hỗ trợ khác. Ngoài ra, TPHCM xử lý sớm các tồn tại của dự án. Trong dài hạn, TPHCM cần tập trung lập quy hoạch tổng thể của TPHCM, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để huy động nguồn vốn thực hiện; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, chống ngập, môi trường…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ đồng tình với hầu hết các kiến nghị của TPHCM, như đồng ý với đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất và giao Bộ Tài chính tham mưu giải quyết. Đồng chí đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép lập thành phố thuộc TPHCM và giao các bộ - ngành hướng dẫn TPHCM thực hiện.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận xét, trong quý 1-2020, TPHCM sút giảm về tăng trưởng. Tuy nhiên, TPHCM cũng có nhiều triển vọng mới trong giai đoạn tới sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng. TPHCM sẽ phát huy được truyền thống năng động sáng tạo, làm sao đánh giá tiềm năng và phát huy các kế hoạch của TPHCM. Tiềm năng của TPHCM về đất đai rất lớn, có thể tạo ra nguồn thu rất lớn, nên phải khẩn trương xử lý các vấn đề còn tồn tại để tạo ra nguồn lực phát triển.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TPHCM thành công, đóng góp vào thành công của cả nước. Trong quý I-2020, kinh tế TPHCM tăng trưởng 1,03%. Đối với một thành phố mà ngành dịch vụ chiếm 60% thì đây là một cố gắng trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội.
Thủ tướng bày tỏ, TPHCM có quyết tâm rất lớn, không chỉ cho TPHCM mà đóng góp cho cả nước. “TPHCM là lò xo nén đủ rồi, hãy bung ra ngay và trở lại chính mình”, Thủ tướng kỳ vọng và yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2020, TPHCM tăng trưởng, phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Theo Thủ tướng, TPHCM phải trở lại vị thế là cực tăng trưởng kinh tế, đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% của TPHCM không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm với đất nước. TPHCM không chỉ thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 mà sẽ thành công trong phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Đây chính là uy tín, là hình ảnh của thành phố mang tên Bác, là hành động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thủ tướng yêu cầu TPHCM phát huy cao độ phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”; đồng thời mong muốn, TPHCM hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất nằm trong chính mỗi người, ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Chúng ta phải khắc phục được con virus trì trệ trong một số sở ban - ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh và dẫn chứng, năm 2019, TPHCM chỉ triển khai được vài dự án bất động sản so với hàng trăm dự án những năm trước. Nguyên nhân do đùn đẩy trách nhiệm hay cơ chế thể chế?
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư là việc cần làm ngay, vì vốn thực hiện ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 của TPHCM chỉ đạt 9,2%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Thủ tướng yêu cầu TPHCM phân tích kỹ và có giải pháp khắc phục, đảm bảo đạt mục tiêu đến tháng 10-2020 tỷ lệ giải ngân đạt 80% và cuối năm đạt 100%.
Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tăng trưởng và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp TPHCM chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó. Giờ đây, mỗi công dân TPHCM, mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ, hãy coi đây là cuộc thử thách bản lĩnh và trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại một trung tâm năng động, sáng tạo.
Thông tin thêm về tình hình hiện nay, Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn không chỉ trước dịch bệnh mà còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, TPHCM cần đón những cơ hội vàng này; đồng thời lưu ý đến giải pháp chống lại sự trục lợi trong đại dịch của các công ty nước ngoài thông qua thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu.
“TPHCM cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo từng bộ, ngành phải sát vào tháo gỡ cho TPHCM, trong vòng 5-7 ngày phải xử lý giải quyết, trình lên phương án, không để tình trạng ngâm hồ sơ lâu, không được để tiêu cực tham nhũng, xảy ra trong quá trình thực hiện, xử lý các dự án mà TPHCM trình.
Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ của TPHCM cần lăn xả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, bỏ thói quen bị động; đồng thời, các bộ - ngành cũng như các cơ quan của TPHCM tâm huyết, thay đổi cách làm, nếp cũ, suy nghĩ cũ.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là TPHCM trở thành đô thị hiện đại điển hình của khu vực và của thế giới, một thành phố thông minh, một thành phố xanh đáng sống để người dân có thể hưởng lợi công bằng từ những thành quả phát triển mang lại.
TPHCM sớm hoàn thành đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực, tạo nền tảng cho phát triển TPHCM thành trung tâm khoa học công nghệ.
Trước các kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý các kiến nghị cụ thể với tinh thần tạo mọi điều kiện cho TPHCM phát triển, trong đó, Thủ tướng cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của TPHCM về Khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM:TPHCM quyết liệt phục hồi trong 4-5 tháng tới Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, kinh tế TPHCM giảm sút trong những tháng qua chủ yếu do cầu (nội địa và nước ngoài) giảm, trong khi tổng năng lực cung của TPHCM vẫn giữ nguyên. Số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động của TPHCM chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, như vậy 97% năng lực sản xuất vẫn duy trì. Cho nên, nếu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ được người lao động, giảm áp lực chi trả về các khoản vay, nợ thì từ tháng 5-2020 trở đi, khi mở cửa thị trường (trong nước và bước đầu thị trường nước ngoài) thì hoạt động của các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại. Hiện nay, trong 15 nước là đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư, du lịch với Việt Nam (chiếm 80% thương mại, 80%tổng đầu tư nước ngoàivà80% lượng khách du lịch nước ngoài) thì 8 nước đã và đangthoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới (không quá 10 người mắc Covid-19/1 triệu dân).Do đó, trong 4 tháng tới, Việt Nam có thể phục hồi quan hệ thương mại, du lịch và thu hút đầu tư đối với 8 nước này. Nếu thực hiện tốt thì ước cả năm sẽ đạt được mức 55-65% so với năm trước. Như vậy, về tổng thể, từ tháng 5 đến tháng 8-2020, chúng ta có thể mở cửa đối với 8 nước này. Đối với các nước còn lại thì căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế để có dự báo về thời điểm mở cửa trở lại. Đối với TPHCM, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và các ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân TPHCM và cả nước sẽ sớm được phục hồi. Trong dịch vụ phục vụ nước ngoài, trước hết là du lịch thì thực hiện chọn lọc, dựa trên tình hình phục hồi, kiểm soát dịch bệnh của các nước. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trong nước cũng có cơ hội phục hồi trong quý 2-2020. Trong khi đó, hàng tiêu dùng xuất khẩu thì tùy thuộc diễn biến ở các nước, nhưng ít nhất ở 8 nước là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam đã nêu thì có thể đảm bảo bình thường, trên cơ sở phải chủ động làm việc với từng nước, xác định lộ trình mở cửa đối với từng mặt hàng… Tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý 2, quý 3-2020 là rất rõ. TPHCM cũng quyết liệt phục hồi kinh tế trong 4-5 tháng tới. Gói hỗ trợ của Trung ương là rất quan trọng cho quá trình phục hồi. Hiện nay, TPHCM đóng góp kinh tế cả nước là 24% và 27% ngân sách cho cả nước. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TPHCM tăng trưởng chậm nhất so với các địa phương, chỉ hơn 1%. Vì vậy, TPHCM đề nghị Chính phủ dành 20% của gói hỗ trợ cho TPHCM. Trên cơ sở Thủ tướng giao nguyên tắc chi, TPHCM sẽ dùng nguồn hỗ trợ để doanh nghiệp giữ lao động và không phá sản. TPHCM sẽ chủ động rà soát, giải ngân nhanh cho doanh nghiệp và sau đó thực hiện hậu kiểm. Về các đề án phát triển cụ thể, đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm có thông báo về chi phí bình quân chính thức, từ đó TPHCM đề nghị doanh nghiệp đóng góp. Trường hợp xác định thời gian có thông báo còn lâu thì cho phép TPHCM được thỏa thuận mức đóng góp bổ sung. Việc này nhằm khuyến khích doanh nghiệp an tâm tiếp tục đầu tư và TPHCM cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, như 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong phát triển kinh tế, TPHCM cũng phải xác định những giải pháp dài hạn, phải tạo động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới. TPHCM đã xác định trung tâm động lực này là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Thông qua thi tuyển quốc tế đã lập đề án tích hợp 3 lợi thế của quận 2, 9 và Thủ Đức (trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, trung tâm lớn nhất về đào tạo nhân lực trình độ đại học và nghiên cứu khoa học, trung tâm đô thị mới đồng thời là trung tâm tài chính) thành một vùng động lực rộng 21.000ha, với 1 triệu dân. Khu vực này chiếm khoảng 10% dân số, chiếm 10% diện tích toàn TPHCM nhưng khi được tích hợp thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao sẽ đóng góp 30% GDP của thành phố. Tuy nhiên, muốn thực hiện được để nơi đây thành “quả đấm kinh tế” cho TPHCM và cả nước thì phải quản lý hành chính thống nhất. Nhu cầu bức thiết của TPHCM là sáp nhập 3 quận này lại thành một thành phố - như là một thành phố trong một tỉnh. |
7 nhóm kiến nghị thúc đẩy TPHCM phát triển Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu 7 nhóm kiến nghị cụ thể. Thứ nhất, về hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam. Từ tháng 4 đến tháng 6-2020, giá điện giảm 10% cho từng nhóm khách hàng, với tổng số tiền giảm ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Tuy số giảm khá đáng kể, nhưng mấu chốt vẫn là áp dụng giá điện bậc thang trong bối cảnh khí hậu nóng, doanh nghiệp mới hoạt động kinh doanh trở lại sau khi hết cách ly xã hội, khiến nhu cầu dùng điện tăng cao, dẫn đến mức chi tiêu tăng lên. TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được hạch toán khoản đầu tư vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ 2020 và 2021 số tiền tối đa 30% trị giá lợi nhuận trước thuế. Cùng đó, kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6-2020 được giãn tiến độ 5 tháng. Thứ hai, về tổ chức bộ máy, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận và phường; kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc TPHCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức mà “không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp” tương tự như một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ, dù việc này là phù hợp quy định. TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, TPHCM kiến nghị thực hiện thí điểm việc thành lập Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp TPHCM; thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng (thuộc UBND quận - huyện) thành Trung tâm phát triển quỹ đất (trực thuộc UBND quận - huyện). Thứ ba, về công tác quy hoạch, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ chức năng quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ để thực hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, quận 9. Đồng thời kiến nghị xem xét, chấp thuận điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 tại vị trí khu đất 384,2ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn từ chức năng đất dự trữ phát triển, cây xanh, thể dục thể thao thành chức năng dịch vụ đô thị kết hợp khu đô thị sinh thái. Việc này nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn lực phát triển đô thị. Cùng đó, kiến nghị chấp thuận cho TPHCM lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380ha) tại Xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; chấp thuận chủ trương đưa ra khỏi quy hoạch 3 khu công nghiệp (Phước Hiệp, Bàu Đưng, huyện Củ Chi và Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), vì vị trí các khu trên không thuận lợi, không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng, quy hoạch kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, quyền lợi chính đáng của người dân. Thứ tư,về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo công tác về thẩm định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn xử lý các khu đất do các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng. Thứ năm,về điều chuyển tài sản công, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định điều chuyển cơ sở nhà đất số 123 đường Trương Định (phường 7, quận 3) và cơ sở nhà đất số 149 đường Pasteur (phường 6, quận 3) từ Văn phòng Thành ủy sang UBND TPHCM; cơ sở nhà đất số 66 - 68 đường Trương Định (phường 7, quận 3) từ UBND TPHCM sang Văn phòng Thành ủy để việc đầu tư xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố và trụ sở làm việc của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đảm bảo tiến độ, chặt chẽ về pháp lý. Đồng thời kiến nghị điều chuyển nhà đất số 238 đường Ba Tháng Hai, (phường 12, quận 10) từ Văn phòng Thành ủy sang cho Công ty TNHH MTV du lịch Kỳ Hòa hiện đang quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh cho phù hợp quy định. Thứ sáu,về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo để có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý nhà nước theo đúng quy định; kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT có hướng dẫn việc thực hiện thủ tục sáp nhập dự án đầu tư đối với các dự án nhà ở đã được UBND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư… Thứ bảy, về thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019. |