Trao quyền nhiều hơn cho TPHCM
GS.TS Trần Ngọc Anh, Trường ĐH Indiana (Mỹ) nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu của nền công vụ trước hết là phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước, khi đầu tàu khỏe sẽ kéo cả nước phát triển và khi yếu thì cả nước bị ảnh hưởng. "Động cơ" để đầu tàu hoạt động chính là nền công vụ và nền công vụ TP có tầm quan trọng không chỉ cho thành phố mà còn cho cả nước.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, GS Trần Ngọc Anh nhấn mạnh, một nền công vụ ưu tú cần được xây dựng trên 3 trụ cột là năng lực, động lực và không gian. Nói cách khác, để thành công, TP phải tạo ra được đội ngũ công vụ “muốn làm, làm được, được làm”. Muốn thu hút đội ngũ có năng lực, điều kiện cần nhưng chưa đủ đầu tiên là phải đảm bảo thu nhập đủ sống và một hệ thống đánh giá rõ ràng, khen thưởng, bổ nhiệm công bằng, hướng động lực vào kết quả công việc.
Mặt khác, TPHCM cần được trao quyền chủ động hơn trong sử dụng ngân sách và tuyển dụng, đãi ngộ nhân sự. Cần thuyết phục Trung ương trao quyền và xây dựng không gian pháp lý rõ ràng, cho TP cơ chế khuyến khích sự sáng tạo, “xé rào” trong đổi mới sáng tạo chính sách.
TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thuận với quan điểm trên, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội chia sẻ, hiện nay TPHCM đang triển khai Nghị quyết 98, chính quyền đô thị… Vấn đề cốt lõi là phải được sự hỗ trợ của Trung ương chứ không chỉ là thay đổi từ TPHCM.
Từ đó, TS Trần Du Lịch đề xuất cần tiếp tục mở rộng phân cấp, ủy quyền cho TPHCM. Ông kỳ vọng khi nghị định thay thế Nghị định 93 năm 2001 của Chính phủ được ban hành sẽ là cơ chế hữu hiệu, phân cấp mạnh mẽ hơn cho TP. Mặt khác, phải xây dựng nền công vụ loại bỏ cơ chế xin - cho về công vụ; cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra công vụ, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật.
Gắn với thực hiện chính quyền đô thị, TS Trần Du Lịch xây dựng hai cấp chính quyền là chính quyền TP trực thuộc Trung ương và chính quyền cơ sở thuộc TPHCM (quy định hiện hành là 3 cấp) hướng tới chính quyền đô thị có nhiều TP hoặc đô thị trực thuộc TPHCM.
Như vậy, mỗi TP trực thuộc TPHCM là một cấp chính quyền có quyền tự chủ mạnh hơn nữa, có thể tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Còn các sở, ngành thành phố chủ yếu phục vụ 13 quận nội thành. Mặt khác, trong giai đoạn công nghệ thông tin hiện nay cần thoát ly quan điểm “sống lâu lên lão làng”, đội ngũ cán bộ công chức cần phải chuyên nghiệp hóa.
Tạo động lực để cán bộ cống hiến
Theo TS Nguyễn Trang Thu, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM, con người vẫn là yếu tố quyết định chất lượng nền công vụ. Người thực thi công vụ phải có sự liêm chính, năng lực và sự cam kết đổi mới. Nhấn mạnh đến động lực của những người tham gia lĩnh vực công là mong muốn cống hiến cho xã hội, vì lợi ích chung, nữ chuyên gia cho rằng khi hội đủ các yếu tố bên ngoài (thu nhập, điều kiện làm việc) cộng với động lực thì sẽ nâng cao hiệu quả làm việc. Và khi cá nhân làm việc tốt thì hiệu quả nền công vụ sẽ tăng lên.
Chuyên gia góp ý cho đề án. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đóng góp thêm cho đề án, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định đề án này không chỉ cho TP mà còn cho cả nước. Bởi bộ máy hành chính cả nước hiện nay đang “tắc”, nếu gỡ được cho TP thì là mô hình quan trọng để gỡ cho cả nước.
Cũng đề cập đến yếu tố động lực trong xây dựng nền hành chính, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, để tạo động lực thì trước hết lương cho cán bộ phải đủ sống, tiếp đến là khai thác được truyền thống khoa bảng của người Việt và lấy lại sự trân trọng của xã hội với cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng phải hết sức khắt khe, đúng người tài. Nếu không tuyển đúng thì sẽ không có đội ngũ hành chính tinh hoa.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng đề nghị cần phân cấp mạnh mẽ cho TP, tất cả những gì TP đảm nhiệm được thì nên giao cho TP tự quyết. Điều này được áp dụng triệt để ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia này đang phát triển thịnh vượng.
PGS.TS Võ Trí Hảo (chuyên gia luật) khẳng định năng lực công chức, viên chức của TP cao hơn mặt bằng chung, nhưng để nâng chất nền công vụ thành phố trước hết phải giải quyết câu chuyện về thu nhập. Ông kiến nghị Trung ương cho TP cơ chế giao biên chế không theo cách truyền thống mà theo 3 chỉ số. Đó là số lượng công chức tối đa, số lượng ngân sách trả lương và chỉ số hiệu quả xử lý công việc.
"Từ đó, TPHCM sắp xếp để cán bộ có thu nhập tăng thêm, tối ưu hóa hiệu quả công việc, phần chi phí còn lại sẽ được hưởng như thu nhập tăng thêm. Còn không có cơ chế khuyến khích thì không công bằng với công chức TPHCM", TS Nguyễn Trí Hảo đề nghị cần thiết kế lộ trình cuốn chiếu, phân chia thành nhiều lộ trình, cấp độ thí điểm.
Đóng góp ý kiến với vai trò cán bộ ở cơ sở, bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND quận 5, nhìn nhận hiện nay đang có nhiều thay đổi về bộ máy, thể chế, tất cả đều hướng đến nâng chất nền công vụ nhưng vô hình chung tạo áp lực rất lớn cho cán bộ ở cơ sở. Bà Kiều đề xuất Trung ương nên cho TP được chủ động về lương và biên chế công chức, viên chức. Bên cạnh đó, cần có một nghị định riêng của Chính phủ về triển khai Luật Công chức, có bộ khung quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức, xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện công vụ.
Còn PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề xuất cần xây dựng và ban hành các chính sách nhằm giúp ổn định những khó khăn hiện nay của ngành y tế. Bên cạnh đó, phân bổ biên chế công chức hàng năm phù hợp với khối lượng công việc giúp công tác tham mưu quản lý nhà nước có chất lượng và giảm tải áp lực cho công chức. Đẩy mạnh việc bố trí, sắp xếp lại công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu rất có ý nghĩa để giúp ban soạn thảo hoàn thiện đề án. Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, lãnh đạo TPHCM cảm nhận được trách nhiệm của đại biểu dành cho TPHCM cũng như kỳ vọng của mọi người đối với chính quyền TPHCM, đối với sự phát triển của TPHCM trong sự phát triển chung của đất nước. Chủ tịch đề nghị ban soạn thảo, tổ giúp việc sẽ tiếp thu ý kiến và lựa chọn những ý kiến phù hợp để đưa vào hoàn thiện đề án.
Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất thành lập nhóm chuyên gia cố vấn, chọn nội dung để nghiên cứu chuyên sâu như: khoán quỹ lương, các cơ chế chi lương, quy trình hành chính… Đồng chí khẳng định TPHCM nhận thức đề án là nội dung đột phá không chỉ của TPHCM mà còn đóng góp cho cả nước, vì vậy sau khi hoàn thiện sẽ có báo cáo với Trung ương.