Điều này dẫn đến các quận không chủ động được trong chi ngân sách thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ cấp bách hay đầu tư các công trình dân sinh phục vụ đời sống người dân. Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cho cơ chế tháo gỡ vướng mắc này.
Chờ thành phố “rót” vốn
Từ cuối năm 2022, cuộc vận động hiến đất mở hẻm diễn ra sôi nổi tại quận Phú Nhuận, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của người dân. Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ 694/15 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận) cho biết, tuyến hẻm 694 Nguyễn Kiệm chỉ rộng khoảng 2-2,5m, gây khó khăn cho việc đi lại. Khi được quận vận động hiến đất mở hẻm, gia đình ông đập bờ rào căn nhà, hiến gần 1m đất. Vậy nhưng, nhiều tháng qua, ông và người dân nơi đây vẫn đang… chờ quận thi công mở rộng hẻm.
Người dân hẻm 694 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận tháo dỡ vật kiến trúc từ cuối năm 2022 nhưng địa phương chưa có kinh phí để thi công mở rộng hẻm. Ảnh: THU HƯỜNG |
Tại các hẻm 247 Hoàng Hoa Thám, hẻm 120/29 Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, đó là chờ vốn của thành phố “rót” xuống để quận mở rộng hẻm.
Ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND quận Phú Nhuận, giải thích, khi thực hiện chính quyền đô thị, quận không còn là đơn vị cấp ngân sách mà trở thành đơn vị dự toán. Vì vậy, dù dự án mở rộng hẻm nhận được sự đồng thuận của người dân nhưng do chưa nằm trong danh mục đầu tư công đã được HĐND TPHCM thông qua thì vẫn không có vốn để triển khai.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh thông tin, nhu cầu cấp thiết ở quận hiện nay là đầu tư chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố theo danh mục đã được phê duyệt. Đó là những công trình xuất phát từ nhu cầu của địa phương, đã được các phường cũng như các ngành của quận khảo sát, đánh giá và đề xuất thực hiện.
Quận 1 đang có nhu cầu được bố trí vốn để thực hiện đầu tư nâng cấp 92 hẻm và 44 vỉa hè. Ngoài ra, còn có những công trình dân sinh khác như cải tạo, chỉnh trang các nhà vệ sinh công cộng để tăng cường các tiện ích phục vụ người dân và du khách. Trước đây, khi còn tổ chức HĐND quận và phường, các nội dung về đầu tư công, đầu tư cải tạo sửa chữa vỉa hè, hẻm sẽ được chủ động hơn. Các phòng ban chuyên môn kiểm tra các hồ sơ và tham mưu UBND quận trình HĐND quận thông qua chủ trương đầu tư, nguồn vốn từ kết dư ngân sách của địa phương.
Tuy nhiên, khi áp dụng chính quyền đô thị, nếu quận 1 có nhu cầu được bố trí vốn thực hiện đầu tư nâng cấp hẻm, vỉa hè... thì sẽ lập danh sách gửi hồ sơ đến các sở, ngành liên quan. Sau đó, các sở, ngành chuyên môn kiểm tra, tổng hợp và tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thẩm tra, ban hành nghị quyết phê chuẩn danh mục đầu tư công. Trên cơ sở đó, UBND quận 1 mới có thể triển khai thực hiện nâng cấp, chỉnh trang hẻm và vỉa hè, tạo mỹ quan đô thị, môi trường sạch đẹp, đảm bảo đời sống cho nhân dân trên địa bàn quận.
Trên thực tế, tại nhiều quận, phường phát sinh nhiều nhiệm vụ chi đột xuất không thể dự kiến đầy đủ khi xây dựng dự toán ngân sách đầu năm nhưng lại áp dụng cơ chế tài chính của một đơn vị dự toán. Do đó, trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất mà chưa được bố trí dự toán hoặc trong năm phát sinh việc điều chỉnh dự toán giữa các lĩnh vực chi, UBND quận, phường phải báo cáo Sở Tài chính TPHCM đề xuất UBND TPHCM, HĐND TPHCM xem xét, giải quyết.
“Như vậy, UBND quận, phường không còn sự chủ động trong điều hành kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền địa phương”, lãnh đạo UBND quận 12 nêu ý kiến.
Ủy quyền để đẩy nhanh tiến độ
Theo Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm của ngân sách cấp huyện sẽ do HĐND cấp huyện quyết định. UBND cấp huyện có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm của ngân sách cấp huyện. Khi thực hiện chính quyền đô thị, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND quận thuộc về UBND TPHCM.
Ngoài ra, tuy không còn HĐND quận nhưng lại chưa có quy định về thẩm quyền của HĐND TPHCM đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của ngân sách cấp huyện, dẫn đến các dự án thuộc nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách quận, phường trực thuộc đang gặp vướng mắc chưa giải quyết được.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết, trước đây UBND quận được ủy quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm C, trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh quyết định đầu tư. Song hiện nay, thẩm quyền này được giao về cho các sở, ngành, cho dù có những dự án đơn giản quận hoàn toàn có thể đảm đương. Các dự án từ các quận “đổ” về cho sở, ngành sẽ tạo thêm áp lực; trong khi đó, nếu quận có thẩm quyền quyết định đầu tư thì sẽ chủ động hơn, tiến độ của dự án sẽ được đẩy nhanh hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng cho rằng, nhu cầu đầu tư phát sinh ở các quận là rất lớn nhưng đang gặp vướng mắc về nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chính quyền đô thị trong lĩnh vực đầu tư công. Chẳng hạn, khi cần sửa chữa, nâng cấp hẻm, vỉa hè, các quận cần thông qua danh mục sửa chữa, nâng cấp. Dù kinh phí đầu tư không nhiều, chỉ vài tỷ đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi công trình, dự án, nhưng các quận mất rất nhiều thời gian khi chờ sở, ngành tổng hợp, tham mưu trình UBND TPHCM duyệt cấp ngân sách.
Qua các cuộc giám sát của HĐND TPHCM về thực hiện dự án đầu tư công diễn ra thời gian qua, nhiều đại biểu phân tích, quy định trên không chỉ gây khó cho đầu tư hạ tầng ở cơ sở mà còn tạo áp lực cho đơn vị cấp trên phê duyệt. Chẳng hạn, bộ phận thẩm duyệt hồ sơ ở Sở GTVT TPHCM vốn đã quá tải với hồ sơ các dự án lớn cấp thành phố, nay thêm áp lực thẩm định nhiều dự án mở rộng, nâng cấp hẻm có giá trị nhỏ do quận gửi lên.
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng nêu ý kiến, sở đề xuất ủy quyền các quận thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp hẻm, vỉa hè theo quy trình trước đây, việc này tạo thuận lợi cho địa phương khi làm dự án và giảm áp lực cho bộ phận thẩm duyệt hồ sơ.
Ông NGUYỄN ĐÔNG TÙNG, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận: Giảm hiệu quả hoạt động của địa phương
Đối với các dự án cải tạo hẻm có vốn từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, trước đây quận có thẩm quyền bố trí vốn thực hiện dự án. Từ khi thực hiện chính quyền đô thị, quận phải gửi hồ sơ lên sở, ngành thẩm định, sau đó trình UBND TPHCM xem xét, báo cáo HĐND TPHCM thông qua mới triển khai. Quy trình này làm quận không còn sự chủ động trong điều hành kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của địa phương.
Ông LÊ ĐỨC THANH, Chủ tịch UBND quận 1: Mong được chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ
Khi còn tổ chức HĐND quận và phường, địa phương được chủ động hơn đối với các nội dung về đầu tư công, đầu tư cải tạo sửa chữa vỉa hè, hẻm. Khi áp dụng chính quyền đô thị, quận phải lập hồ sơ gửi các sở, ngành tổng hợp, tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thẩm tra và ban hành nghị quyết phê chuẩn danh mục đầu tư công. Mong rằng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ có cơ chế tháo gỡ vướng mắc, giúp các quận có sự chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác mà chưa được dự toán.
Về đề xuất này, Bộ KH-ĐT nhận xét, khi thực hiện chính quyền đô thị, các quận trở thành đơn vị dự toán, UBND quận, phường không được giao nhiệm vụ thu nên không có nguồn thu kết dư, dự phòng hoặc nguồn tăng thu ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ phát sinh cũng như chi đầu tư phát triển tại địa phương.
Nếu phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận phải đề xuất UBND TPHCM, HĐND TPHCM xem xét, giải quyết. Ngoài ra, do không còn là cấp ngân sách, các quận không thể điều chuyển kinh phí từ lĩnh vực thừa sang lĩnh vực thiếu.