Chủ động triển khai các dự án đầu tư công độc lập
Thứ nhất, theo dự thảo nghị quyết (NQ) mới nếu được thông qua, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được áp dụng, HĐND TPHCM sẽ quyết định sử dụng ngân sách để triển khai dự án đầu tư công độc lập.
Chẳng hạn, khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến metro số 1, số 2 và vùng phụ cận đường vành đai 3, thì TP sẽ thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị theo quy định.
Với cơ chế mới này được đánh giá sẽ giúp nhanh chóng hoàn thiện các dự án metro. Bởi theo quy hoạch, TP đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ mới metro số 1 và số 2 triển khai bằng nguồn vốn ODA, mà việc vay hết sức khó khăn, trong khi nguồn ngân sách hạn chế, nên sẽ rất khó để hoàn thiện các tuyến metro có tổng mức đầu tư cả tỷ USD.
Cơ chế TOD là cơ hội giúp TP định hình, cải tạo lại đô thị theo hướng hiện đại, phát huy hiệu quả nguồn thu từ quỹ đất. Mặt khác, nguồn thu từ quỹ đất sẽ giúp TP đầu tư các dự án metro.
Thứ 2, dự thảo NQ mới nếu thông qua, cho phép lĩnh vực giao thông được áp dụng cơ chế đầu tư theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường trục chính, đường trên cao trên đường hiện hữu.
Thực tế, TPHCM đang có nhiều đường trục chính có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, nhưng rất nhiều năm qua chưa thể triển khai do vốn ngân sách hạn hẹp, nhất là từ khi bỏ quy định về đầu tư BOT trên đường hiện hữu và hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Cho dù kể từ khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời đến nay, vẫn chưa có dự án giao thông tại TP triển khai theo hình thức này.
Thứ 2, dự thảo NQ mới cũng cho phép TP tăng phần vốn nhà nước tham gia dự án đến 70% (quy định hiện hành 50%). Đây cũng là điểm mấu chốt để thu hút nhà đầu tư, bởi đa số dự án trục đô thị đi qua khu dân cư đông đúc, tổng mức đầu tư lớn, trong đó tỷ trọng mặt bằng chiếm hơn một nửa.
Cơ chế này không chỉ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia, còn giúp người dân giảm mức chi trả phí BOT, đảm bảo khả thi dự án. Dự thảo cũng cho phép TP đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia dự án ngay trong giai đoạn TP chưa có khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn. TP sẽ thanh toán (trả chậm) cho nhà đầu tư sau khi công trình hoàn thành từ nguồn cổ phần hóa, khai thác quỹ đất...
Tóm lại, nếu dự thảo NQ mới được thông qua, TPHCM có thể triển khai ngay hàng loạt dự án hạ tầng nằm trong danh mục trọng điểm giai đoạn từ nay đến năm 2025 nhưng chưa có tiền. Cụ thể, dự án cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Ung Văn Khiêm và nút giao Đài liệt sĩ, mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... Hoặc một số dự án đường trên cao như Cộng Hòa- Bùi Thị Xuân- kênh Nhiêu Lộc…
Linh hoạt sử dụng nguồn tăng thu để tái đầu tư
Về điểm khác nhau giữa NQ mới thay NQ54, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, NQ54 tập trung nhiều vào cơ chế để khai thác nguồn thu cho TPHCM, còn NQ mới thay thế thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực phát huy tiềm năng của TP. Đó là những việc luật chưa có quy định, hoặc luật có quy định rồi nhưng còn chồng chéo, không giải quyết được vấn đề thực tiễn phát triển của TP.
Chủ tịch TP nhấn mạnh, những cơ chế đột phá, vượt trội sẽ giúp TP khai phóng tối đa nguồn lực để phát triển. Ngoài ra, trong NQ mới, ngoài đề xuất của TP, có những vấn đề TP chưa nhìn ra được trong khi Trung ương, các bộ, ngành nhận thấy, đặt hàng, mong muốn TP thí điểm.
Mới đây, tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng những cơ chế chính sách mới cho TP không chỉ riêng của TP mà là vì cả nước. TPHCM phát triển sẽ đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của cả nước.
Với tinh thần này, TPHCM mong muốn có những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội cũng như phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, sẽ giúp TP giải quyết vấn đề của mình nhanh hơn. Đây cũng là tiền đề để Trung ương sau này phân cấp, phân quyền cho các địa phương khác.
Ngoài các cơ chế kế thừa NQ54 hay cơ chế địa phương khác đã làm, điểm đặc biệt trong dự thảo NQ mới đề xuất 22 cơ chế chưa được quy định trong luật, 6 cơ chế đã có trong dự thảo các luật đang trình sửa đổi, để thí điểm thực hiện trước. Chẳng hạn, nếu cơ chế phân bổ và bố trí vốn đầu tư được thông qua, HĐND TP sẽ được chủ động, linh hoạt sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương bố trí vốn đầu tư công trung hạn để làm các dự án quan trọng.
Cụ thể, thay vì chuyển về ngân sách Trung ương hoặc để dự phòng như trước nay, số tiền tăng thu ngân sách so với dự kiến được phân bổ thêm vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để làm các dự án, sẽ tạo đột phá trong đầu tư, phát triển hạ tầng. Đầu tư khu vực tư nhân của TP đang chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư xã hội, tính luôn khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 85-87% tổng vốn đầu tư. Trong khi đầu tư công chỉ chiếm khoảng 13%.
Cơ chế mới sẽ tạo điều kiện để TP có thể huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư, phát triển ở những lĩnh vực chưa được luật cho phép.
Theo nhiều chuyên gia, với TP lớn như TPHCM, những chính sách chung cả nước áp vào cho TP sẽ không phù hợp, gò bó, dẫn đến không phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cũng như không tạo sự đột phá của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.