PGS Võ Đại Lược: Tạo động lực 'dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu' cho TPHCM

(ĐTTCO) - Theo PGS. TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nghị quyết thay thế Nghị quyết sẽ tạo động lực cho TPHCM "dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu".

Một góc TPHCM về đêm.
Một góc TPHCM về đêm.

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về dự thảo NQ mới cho TPHCM?

PGS.TSKH VÕ ĐẠI LƯỢC: - Thực tế khi dự thảo nghị quyết (NQ) mới trình ra cũng có một số ý kiến và cả chuyên gia cho rằng, TPHCM chưa đề xuất cơ chế thực sự “mạnh” và có tính đột phá hơn nữa, trong khi TP hoàn toàn có đủ điều kiện, vai trò để đưa ra những đề xuất lớn hơn. Hay cũng có ý kiến cho rằng, TPHCM cần chú trọng hơn những chính sách trong huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, tránh những đề xuất có tính dàn trải, manh mún.

Nhưng nay theo quan điểm của tôi, TPHCM đã đề xuất như vậy là đúng, bởi chắc chắn biết những đề xuất trong dự thảo NQ mới sẽ được “cho phép” đến đâu, nghĩa là tính khả thi của nó. Nhìn lại quá trình đổi mới nền kinh tế từ những năm cuối 80 thế kỷ trước, sẽ thấy bắt đầu từ “xé rào” mới đến “đổi mới”. Đó là bắt đầu thay đổi từ những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt, bình thường nhất trong đời sống dân sinh, nhưng liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội thường nhật của mỗi địa phương, mà ở đó xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột cần phải tháo gỡ.

Thí dụ như trước kia, dư luận ca ngợi ông Võ Văn Kiệt đã dám đổi mới khi còn công tác ở TPHCM, song thực chất ông Kiệt cũng chỉ thực hiện từng bước một, đó là cách làm “xé rào”. Còn khi muốn đổi mới thực sự, theo tôi phải bắt đầu từ cấp cao nhất Trung ương.

Nếu bên trên chưa “phát lệnh”, chưa “cho phép” đổi mới thì bên dưới chưa thể làm được. Nhưng nếu bên dưới dám “xé rào” về chính sách, đưa lại những kết quả tốt trong quá trình thực hiện, lại chính là chất xúc tác để tác động ngược lại Trung ương, thúc đẩy nhanh quyết định đổi mới.

- Theo ông NQ mới khi được thông qua sẽ tác động ra sao đến động lực tăng trưởng cho TPHCM?

- Không có một TP lớn có vai trò trung tâm nào trên thế giới có thể phát triển vượt bậc nếu không có chính sách tốt mang tính riêng biệt. Do đó, NQ mới với những cơ chế chính sách phù hợp sẽ giúp TPHCM giải phóng lực lượng sản xuất, từ đó đưa đến hiệu ứng tích cực là cải thiện quan hệ sản xuất - là bộ máy quản lý.

Vấn đề ở đây là cơ chế thu hút mạnh nguồn lực không chỉ của riêng TPHCM, mà còn cho cả vùng kinh tế Đông Nam bộ và cả các tỉnh phía Nam. Hiện có ý kiến mà tôi cho là nhầm lẫn, khi cho rằng trong chính sách đặc thù TPHCM đề xuất về thực chất chỉ muốn xin Trung ương cho tăng thêm phần ngân sách địa phương giữ lại, và có vẻ đây là ưu tiên số một.

Nhưng thực ra không hẳn thế. Về lâu dài, TPHCM vẫn cần có một cơ chế thực sự rõ ràng, phù hợp và phải có tính tự chủ hơn, đó là câu chuyện dài hơi trong hàng chục năm tới, và cũng là xu thế thôi.

Khi TPHCM đã thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù và thu được kết quả tốt, thì việc nhân rộng mô hình cho các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… là điều tất yếu.

- Thưa ông, trong dự thảo NQ mới, TPHCM cũng từng đề xuất về việc xây dựng TP theo mô hình trung tâm tài chính quốc tế, song đã bị bác. Ông nhận xét thế nào việc này?

- Ở đây phải xét đến các điều kiện cần và đủ mà một trung tâm tài chính quốc tế cần phải có. Đối với TPHCM, tôi cho rằng khó có thể xây dựng theo mô hình trung tâm tài chính quốc tế. Bởi ở đây không phải là do TPHCM, mà cơ chế chung của Việt Nam hiện nay chưa cho phép, nên TPHCM dù muốn cũng chưa thể thực hiện.

Chỉ xét 2 yếu tố cũng là 2 điều kiện quan trọng để có trung tâm tài chính quốc tế, đó là đồng tiền phải chuyển đổi tự do và phải có sự mở cửa thị trường vốn. Nhưng Việt Nam chưa cho phép chuyển đổi VNĐ tự do, và thị trường vốn cũng chỉ mới ở mức ban khai, chưa phải là thị trường mở thực sự. Cơ chế chung là vậy, thì TPHCM cũng rất khó thực hiện.

- Vậy mô hình nào sẽ thay thế và được cho là phù hợp cho TPHCM?

- Hiện nay, kinh tế thế giới đang chuyển sang kinh tế tri thức với sức mạnh của công nghệ 4.0, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. Do vậy, nên chăng trước mắt, định hướng phát triển ngành của TPHCM nên chuyển theo hướng phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại, chuyển dần các ngành công nghiệp truyền thống cho các tỉnh thành khác trong vùng.

TPHCM hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX), nhưng các KCN hoạt động đa ngành nghề, không hề có liên kết gì với nhau. Đây là mô hình KCN của thời những năm 80. Do đó TPHCM nên có kế hoạch chuyển đổi các KCN này thành các cluster (các KCN liên kết theo chuỗi giá trị). Để làm được điều này, tất nhiên TPHCM cần có một khu thương mại tự do với các thể chế hiện đại và hội nhập quốc tế cao.

Việc cần làm đầu tiên của TPHCM lúc này là phải giãn các KCN, KCX trong nội thành ra các tỉnh xung quanh. Còn các cơ sở trong nội đô nên chuyển sang các khu công nghệ cao, đóng vai trò như là vùng lõi công nghệ. Ở khía cạnh này, TPHCM đóng vai trò như một trung tâm lan tỏa cho tăng trưởng và phát triển kinh tế vùng.

Theo tôi, khi xây dựng các trung tâm công nghệ cao thì mô hình “thung lũng Silicon” của Mỹ được xây dựng và phát triển như thế nào, cũng là một tham khảo tốt cho TPHCM.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác