Linh hoạt tỷ giá, củng cố niềm tin

(ĐTTCO) - Tỷ giá trở thành tâm điểm điều hành vĩ mô 6 tháng đầu năm 2025, khi nhà quản lý chấp nhận để VNĐ mất giá nhẹ cùng với việc nới lỏng tiền tệ không nằm ngoài mục đích hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, thách thức sẽ còn lớn hơn khi sắp tới thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực, trong lúc dự trữ ngoại hối hiện ở mức thấp, làm giảm đáng kể khả năng can thiệp thị trường.

Tỷ giá trong chu kỳ điều chỉnh mới

Từ đầu năm 2025 đến nay, VNĐ đã mất giá hơn 3% so với USD và mất gần 18% so với EUR. Trước áp lực này, Việt Nam vẫn kiên trì duy trì lãi suất ở mức thấp, mở rộng tín dụng với mức tăng trưởng 10% trong nửa đầu năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Nhờ đó, GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,52% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát cơ bản được giữ ở mức kiểm soát 3,24%.

Trong khi đó, áp lực tỷ giá còn tiếp tục chịu tác động mạnh từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi chưa cắt giảm lãi suất kể từ tháng 12-2024, nên đồng USD tiếp tục duy trì xu hướng mạnh lên. Đã vậy, kể từ tháng 4-2025, Tổng thống Mỹ tuyên bố tăng thuế cơ sở 10% đối với hầu hết các nước, bao gồm Việt Nam, và áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia.

Động thái này khiến tỷ giá chịu áp lực lớn hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải lựa chọn phương án điều hành linh hoạt. Tức không rút tiền về để neo tỷ giá, mà tiếp tục mở rộng tiền tệ, giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng; đồng thời can thiệp bán ngoại tệ để điều tiết thị trường.

Thực ra chính sách chấp nhận để VNĐ mất giá nhẹ được xem là công cụ hỗ trợ xuất khẩu, bảo vệ năng lực cạnh tranh trong ngắn hạn, đồng thời tạo dư địa tăng trưởng trong dài hạn. Bởi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 được đặt ra ở mức cao từ 8,3-8,5%, nhằm tạo nền tảng cho các năm tiếp theo hướng đến tăng trưởng hai con số, cũng là thông điệp thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế.

Và thực tế 6 tháng đầu năm Việt Nam đã thu hút hơn 21,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Khi FDI tăng, xuất khẩu tăng theo, từ đó giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ và góp phần làm dịu áp lực tỷ giá trong trung hạn.

Song song với FDI, dòng kiều hối cũng được hưởng lợi từ xu hướng mất giá của VNĐ so với USD. Chỉ riêng TPHCM đã thu hút hơn 5,23 tỷ USD kiều hối trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 20% và cao gấp 1,73 lần vốn FDI thực hiện tại địa phương. Nếu duy trì đà này, kiều hối toàn quốc có thể đạt 18-20 tỷ USD trong năm nay, so với mức 16 tỷ USD của năm 2024. Đây là nguồn ngoại tệ có ý nghĩa quan trọng trong việc làm dịu áp lực tỷ giá ngắn hạn.

Những thách thức phía trước

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao, với hơn 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực FDI. Còn với doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện và thiết bị để phục vụ sản xuất. Do đó, bất kỳ biến động nào của tỷ giá cũng có thể gây ra tác động lan tỏa lớn đến toàn bộ nền kinh tế.

Điều dễ nhận thấy, khi đồng nội tệ mất giá, các doanh nghiệp FDI được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ lại phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, trong khi gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giá bán do áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu và chính các đối thủ FDI.

Do vậy, nếu không sớm phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, những áp lực này sẽ còn tiếp diễn và gia tăng trong thời gian tới.

Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi sắp tới Mỹ áp thuế đối ứng và tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp FDI phải chứng minh rõ ràng nguồn gốc sản phẩm để tránh bị đánh thuế. Trong bối cảnh đó, điều hành tỷ giá cần được đặt trong bài toán tổng hợp: vừa điều tiết thương mại, vừa cân đối chi phí sản xuất, vừa duy trì năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế.

Đáng lưu ý, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức thấp, thu hẹp đáng kể khả năng can thiệp thị trường khi cần thiết và làm gia tăng rủi ro trước các biến động từ bên ngoài. Thực tế này đòi hỏi chính sách điều hành tỷ giá cần thận trọng hơn: vừa linh hoạt ứng phó với biến động, vừa tránh gây nhiễu loạn kỳ vọng thị trường trong bối cảnh nguồn lực dự trữ hạn chế.

Có thể thấy tỷ giá hối đoái đang giữ vai trò rất quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Như vậy việc điều hành tỷ không dừng ở việc “giữ ổn định danh nghĩa”, mà cần giải quyết được ba điều quan trọng. Thứ nhất, cần xác định rõ tỷ giá chỉ là công cụ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, không phải là mục tiêu cuối cùng. Nếu cố định tỷ giá quá cứng nhắc, có thể gây sốc cho doanh nghiệp nhập khẩu; nhưng nếu để tỷ giá mất giá quá mạnh cũng dễ khiến thị trường mất niềm tin.

Tỷ giá cũng không thể điều hành tách biệt, mà phải đi cùng với các chính sách khác như lãi suất, ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối và chính sách thương mại. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tăng dự trữ ngoại tệ, phát triển thị trường ngoại hối giữa các ngân hàng, và khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Thứ hai, điều hành tỷ giá cần điều hành theo hướng “linh hoạt, chủ động và phối hợp”, để ứng phó hiệu quả với áp lực bên ngoài và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Tỷ giá trung tâm nên tiếp tục được điều chỉnh theo rổ tiền tệ và tín hiệu thị trường, với biên độ dao động hợp lý khoảng 2-4% mỗi năm, nhằm tạo dư địa điều tiết nhưng vẫn duy trì ổn định kỳ vọng. Khi cần can thiệp, NHNN phải hành động rõ ràng, nhất quán và truyền thông minh bạch để tránh hiểu lầm là đang cố tình phá giá hoặc neo giữ quá lâu.

Thứ ba, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và thương mại để tạo hiệu ứng đồng bộ trong điều hành vĩ mô. Như chính sách tiền tệ cần linh hoạt hỗ trợ thanh khoản và ổn định tỷ giá mà không gây áp lực lạm phát; chính sách tài khóa cần được điều tiết hợp lý để không tạo thêm áp lực lên lãi suất và tỷ giá; chính sách thương mại cần chủ động đa dạng hóa thị trường, kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa và tận dụng hiệu quả các FTA. Sự phối hợp này sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động bên ngoài và củng cố niềm tin thị trường trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao diễn biến chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đặc biệt là các động thái liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thuế quan và kiểm soát thương mại. Việc này không chỉ giúp dự báo sớm các cú sốc từ bên ngoài, mà còn tạo cơ sở để xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời và phù hợp.

Mỗi biến động từ các trung tâm kinh tế lớn đều có thể tác động dây chuyền đến dòng vốn, cán cân thương mại và tâm lý thị trường trong nước, do đó việc chuẩn bị sẵn các phương án điều hành linh hoạt từ nới lỏng đến thắt chặt, từ hỗ trợ đến kiểm soát sẽ giúp Việt Nam giữ thế chủ động và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong môi trường toàn cầu nhiều biến động.

Trong thế giới bất định, chính sách tỷ giá ổn định, linh hoạt và đáng tin cậy chính là chìa khóa để giữ vững niềm tin thị trường và nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Khi được điều hành bài bản và dựa trên nền tảng nội lực vững chắc, tỷ giá không chỉ là công cụ phòng vệ trước rủi ro, mà còn là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cu.

Các tin khác