Tái cấu trúc tổng cầu, tăng trưởng cao bền vững

(ĐTTCO) - Muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục và bền vững trong những thập niên tới, các thành tố trong tổng cầu của nền kinh tế cần được duy trì tăng trưởng một cách bền vững.

Đầu tư công và chi tiêu Chính phủ cần được duy trì ở mức hợp lý trong mối quan hệ tương quan với đầu tư tư nhân.
Đầu tư công và chi tiêu Chính phủ cần được duy trì ở mức hợp lý trong mối quan hệ tương quan với đầu tư tư nhân.

Ngôi sao hy vọng

Chi tiêu của Chính phủ là cấu phần quan trọng trong tổng cầu. Do vậy, sau mỗi cú sốc kinh tế, vai trò của chi tiêu Chính phủ lại được đề cao nhằm hỗ trợ cho tổng cầu. Năm 2025, tổng nguồn vốn đầu tư công dự kiến đạt 878.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với những năm trước đó.

Tăng mạnh đầu tư công dẫn tới tăng chi tiêu Chính phủ, song đi kèm với đó là các rủi ro về gia tăng nợ công, lấn át đầu tư tư nhân. Chi tiêu Chính phủ tăng cũng tạo ra các sức ép về tăng thu ngân sách, và tạo thêm áp lực về thuế đối với khu vực tư nhân.

congluan-cdn.congluan.jpg

Do vậy, đầu tư công và chi tiêu Chính phủ cần được duy trì ở mức hợp lý trong mối quan hệ tương quan với đầu tư tư nhân, và chỉ nên chiếm tỷ trọng hợp lý trong tổng cầu của nền kinh tế. Điều đó có nghĩa chúng ta cần “ngôi sao hy vọng” để tăng đầu tư, đó là khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN), đặc biệt là các thực thể kinh tế thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Chẳng hạn đầu tư của DN, hộ gia đình ngoài việc đóng góp trực tiếp cho tổng cầu, còn đóng góp cho việc mở rộng năng lực sản xuất, năng lực đáp ứng về hàng hóa, dịch vụ trong tương lai.

Theo số liệu thống kê do Bộ Tài chính công bố, ước tính 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1,59 triệu tỷ đồng (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó vốn khu vực Nhà nước đạt 445.800 tỷ đồng (chiếm 28%), khu vực tư nhân trong nước đạt 858.900 tỷ đồng (chiếm 54%), khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 287.200 tỷ đồng (chiếm 18%).

Như vậy, chỉ cần đầu tư của khu vực tư nhân tăng 1 điểm phần trăm, cũng tương đương với mức tăng 1,9 điểm phần trăm của khu vực Nhà nước về giá trị tuyệt đối.

Không chạy theo chỉ tiêu xuất khẩu

Trong những năm vừa qua, xuất khẩu đã đóng vai trò quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Xuất khẩu đã là nền tảng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng chục ngàn DN và thu nhập của hàng triệu lao động, từ đó duy trì được sự nhộn nhịp của nền kinh tế, thu nhập của người lao động.

Hoạt động xuất khẩu do đó cũng ảnh hưởng tích cực tới 2 cấu phần quan trọng khác của tổng cầu, đó là tiêu dùng nội địa và đầu tư của DN và người dân. Thế nhưng, chúng ta cũng phải đối diện thực tế, đó là nền kinh tế khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức trên dưới 10% liên tục trong những thập niên tới, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong giai đoạn này.

Hoạt động xuất khẩu sẽ chạm điểm tới hạn của quỹ đạo tăng trưởng cao như thời gian vừa qua. Nguyên nhân là do những lợi thế so sánh hay tuyệt đối của nền kinh tế có tính truyền thống như lao động giá rẻ, một số tài nguyên, sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, đang mất dần tính cạnh tranh.

Căng thẳng thương mại toàn cầu, sự khó đoán định về chính sách thuế quan, cũng là những rủi ro cần tính đến khi dựa quá nhiều vào tăng kim ngạch xuất khẩu để tăng trưởng. Hơn nữa, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng có nhiều hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian qua nhưng giá trị gia tăng rất thấp, nếu so với các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Indonesia.

Vì vậy, cần đổi mới tư duy và cách nhìn về mục tiêu xuất khẩu. Tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu có lẽ không nên là mục tiêu cao nhất, thay vào đó là các chỉ tiêu khác như xuất khẩu ròng đặc biệt qua các biện pháp phát triển về ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên, nhiên vật liệu sản xuất trong nước để gia tăng giá trị gia tăng trong nước, gia tăng xuất khẩu ròng nhờ giảm bớt nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu và máy móc phục vụ cho xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu có thể tăng chậm lại, nhưng đóng góp của xuất khẩu ròng cho tổng cầu và cho tăng trưởng GDP cũng nhờ thế sẽ cao hơn rất nhiều. Tính bền vững xuất khẩu ròng của nền kinh tế sẽ được cải thiện mạnh mẽ, nếu như thặng dư của cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ được cải thiện. Trong năm 2024, nhập siêu ròng dịch vụ của nền kinh tế là 12,3 tỷ USD. Con số này trong năm 2022 là 12,6 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của cả nền kinh tế trong năm.

Do vậy, nâng cao các dịch vụ vận tải, hậu cần, giáo dục, y tế, bảo hiểm, tài chính sẽ giảm bớt được mức thâm hụt cán cân dịch vụ, từ đó cải thiện được mức xuất khẩu ròng - cấu phần quan trọng trong tổng cầu của nền kinh tế.

Tiêu dùng cá nhân là trụ cột

Việt Nam hiện nay đã là một thị trường lớn với hơn 100 triệu người tiêu dùng. Đây là nền kinh tế với số lượng người tiêu dùng đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines).

Điểm đáng chú ý là những người tiêu dùng này có thu nhập khả dụng ngày một tăng, nhờ nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong thời gian dài và mức độ phân bổ thu nhập được đánh giá là tương đối đồng đều, cũng như bình đẳng hơn nhiều nền kinh tế khác.

Một thị trường với quy mô đáng kể về người tiêu dùng như vậy, với một triển vọng kinh tế tích cực rõ ràng, phải là một trụ cột cho tổng cầu. Tiêu dùng trong nước do vậy cần được hỗ trợ bởi các biện pháp để hỗ trợ người dân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước để có những đóng góp trực tiếp cho tổng cầu.

Nó cũng cần được hỗ trợ bởi các biện pháp nhằm gia tăng thu nhập khả dụng của người dân như duy trì tăng trưởng kinh tế, các giải pháp về thuế thu nhập cá nhân, tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập.

Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát, nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội, cũng là các biện pháp để củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Tái cấu trúc cơ cấu đầu tư theo hướng đầu tư tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, chất lượng hơn trong tổng đầu tư của nền kinh tế, là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng tổng cầu và tăng trưởng GDP một cách bền vững.

Các tin khác