Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 chưa mang 'hơi thở' thị trường

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC xung quanh dự thảo sửa đổi Nghị định 24, PGS.TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh đến thị trường vàng trang sức - một trụ cột xuất khẩu chiến lược bị bỏ quên hoàn toàn. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

PHÓNG VIÊN: - Quan điểm của ông thế nào về dự thảo sửa đổi Nghị định 24?

PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: - Khi xem xét kỹ Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 24 cho thấy vẫn còn tư duy hành chính - bao cấp, tức vẫn còn lấn át tư duy thị trường có sự kiến tạo, đồng hành và kiểm soát của Nhà nước để đạt yêu cầu cải cách thể chế thị trường vàng. Các thay đổi chủ yếu mang tính kỹ thuật, như bổ sung đối tượng sản xuất vàng miếng, quy định vốn điều lệ...

Trong khi chưa đụng đến những điểm nghẽn lớn như độc quyền, sự chồng chéo trong điều hành, hay thiếu công cụ thị trường như sàn giao dịch vàng, tư duy “giấy phép con” vẫn tồn tại, và thị trường vàng trang sức đang bị bỏ quên.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa hoạch định chính sách, vừa tham gia sản xuất là đi ngược nguyên lý kinh tế thị trường. Hay điều kiện vốn 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp sản xuất cũng là hình thức độc quyền.

Nếu tư duy “xin - cho” không thay đổi, bản sửa đổi Nghị định 24 sẽ không tạo chuyển biến thực chất. Thị trường tiếp tục méo mó, người dân vẫn phải chịu thiệt vì giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng mỗi lượng.

- Theo ông đâu là bất cập thể chế lớn nhất khiến thị trường vàng Việt Nam méo mó trong thời gian qua?

- Điểm nghẽn lớn nhất là cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, và sự thiếu minh bạch trong điều hành thị trường. Kể từ khi Nghị định 24 ban hành năm 2012, thị trường vàng miếng bị kiểm soát bởi một thương hiệu duy nhất: vàng SJC. Trong khi nhiều doanh nghiệp có năng lực chế tác không được tham gia, gây bóp méo cạnh tranh.

Minh chứng là giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới từ 13-20 triệu đồng/lượng. Nếu không thay đổi tư duy và cải cách thể chế mạnh mẽ, Việt Nam khó có thể xây dựng được một thị trường vàng lành mạnh và hội nhập. Nguyên lý thị trường đòi hỏi tách biệt vai trò điều tiết và kinh doanh. NHNN không nên giữ quyền tổ chức sản xuất vàng miếng.

- Như ông nói điều kiện vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng là hình thức độc quyền, phải hiểu như thế nào?

- Điều kiện vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng là “rào cản” quá cao, chỉ vài doanh nghiệp đủ điều kiện. Như vậy dù nói là “mở cửa”, nhưng thực chất vẫn là giữ lại quyền kiểm soát cho một số ít đơn vị, không khác gì mô hình độc quyền cũ. Điều kiện tài chính nên tương xứng với quy mô thị trường.

Nếu muốn nâng chất lượng vàng miếng, có thể đặt yêu cầu về công nghệ, kiểm định, kiểm toán, thay vì đóng cửa thị trường bằng rào cản vốn. Rào cản như vậy triệt tiêu cạnh tranh, tạo cảm giác doanh nghiệp phải “xin - cho”. Môi trường đầu tư cần minh bạch, công bằng, không thể áp đặt điều kiện để định hình thị trường theo ý muốn cơ quan quản lý.

- Trong dự thảo sửa đổi có nói đến việc cấp phép từng lần khi nhập - xuất khẩu vàng nguyên liệu, như vậy có còn phù hợp trong bối cảnh thị trường quốc tế hiện nay?

- Theo tôi là không còn phù hợp. Thị trường vàng thế giới phản ứng nhanh, giá biến động từng phút. Cơ chế xin phép từng lần khiến doanh nghiệp lỡ nhịp giao dịch, giảm hiệu quả kinh doanh.

Đây là biểu hiện rõ của tư duy tiền kiểm, không phù hợp với điều kiện hiện đại. Thay vì cấp phép từng lần, Nhà nước nên chuyển sang quản lý theo hạn mức năm: đầu năm phân bổ hạn mức cho doanh nghiệp đủ điều kiện, giám sát bằng báo cáo định kỳ, kết nối điện tử, hậu kiểm. Cách này giúp luân chuyển hàng hóa nhanh, vẫn đảm bảo minh bạch.

Vàng nguyên liệu không phải hàng xa xỉ, mà là nguyên liệu đầu vào của ngành chế tác vàng trang sức - lĩnh vực có thể đem lại hàng tỷ USD xuất khẩu mỗi năm. Siết bằng thủ tục hành chính là kìm hãm một ngành tiềm năng. Nếu cải tiến cơ chế nhập khẩu - xuất khẩu vàng nguyên liệu, Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế tác vàng trang sức khu vực, hãy xem cách Thái Lan hay Ấn Độ đã làm thành công.

- Vậy ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển ngành vàng trang sức?

- Điểm đáng tiếc nhất của dự thảo là hoàn toàn không có một điều khoản nào đề cập đến việc phát triển ngành vàng trang sức, trong khi đây là lĩnh vực có tiềm năng chiến lược rất lớn.

Vàng trang sức không chỉ là hàng hóa tiêu dùng nội địa, mà còn là sản phẩm xuất khẩu mang giá trị cao, có thể thu hút hàng tỷ USD ngoại tệ mỗi năm và tạo hàng chục ngàn việc làm. Việc tiếp tục bỏ quên ngành này là lãng phí một dư địa phát triển kinh tế đầy hứa hẹn.

Điều đáng lo hiện nay, doanh nghiệp vàng trang sức vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu qua ngân hàng thương mại, chịu chi phí cao và thủ tục phức tạp. Trong khi Thái Lan, Ấn Độ đã tự chủ nguyên liệu và có hệ sinh thái chế tác phát triển.

Nếu Nhà nước cải tiến chính sách cho phép nhập nguyên liệu trực tiếp, miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo nhân lực, ngành này sẽ tăng tốc xuất khẩu, trở thành mũi nhọn kinh tế mới. Vàng trang sức cần được xem là ngành công nghiệp chế tác có giá trị gia tăng cao, đóng vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu.

- Vậy theo ông Việt Nam cần làm gì để phát triển thị trường vàng thành cấu phần ổn định của hệ thống tài chính quốc gia?

- Trước hết phải cải cách thể chế quản lý vàng. Vàng không chỉ là hàng hóa tiêu dùng hay đầu cơ, mà là tài sản tài chính quan trọng, ảnh hưởng đến cung tiền, tỷ giá, ổn định vĩ mô. Sau đó cần tách bạch vàng miếng và vàng trang sức. Vàng miếng nên gắn với tích lũy và điều hành tiền tệ. Vàng trang sức phải được xem là ngành công nghiệp chế tác, cần chính sách hỗ trợ xuất khẩu.

Lập sàn giao dịch vàng quốc gia là bước đi cần thiết. Cơ chế giao dịch qua sàn sẽ tạo minh bạch, xóa bỏ độc quyền, giúp thị trường phản ánh đúng cung - cầu. Từ đây, quản lý nhà nước nên rút dần vai trò can thiệp, chuyển sang giám sát bằng báo cáo điện tử, hậu kiểm. Nếu làm bài bản, Việt Nam có thể xây dựng thị trường vàng song hành với chứng khoán, như một công cụ tài chính lành mạnh.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 24 cho thấy vẫn còn tư duy hành chính - bao cấp, tức vẫn còn lấn át tư duy thị trường có sự kiến tạo, đồng hành và kiểm soát của Nhà nước để đạt yêu cầu cải cách thể chế thị trường vàng.

Các tin khác