Tầm quan trọng của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh cá thể giữ vai trò đặc biệt trong cấu trúc kinh tế Việt Nam khi vừa tạo sinh kế cho hàng triệu lao động, vừa là "mắc xích" kết nối sản xuất, phân phối và tiêu dùng ở cấp cơ sở. Nhờ quy mô linh hoạt, bám sát nhu cầu thị trường và khả năng thích ứng cao, khu vực này có tiềm năng lớn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời là nền tảng để hình thành lớp doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong tương lai.
Tuy nhiên, do phần lớn hoạt động của hộ kinh doanh là phi chính thức, đang trở thành một gánh nặng cho môi trường kinh doanh, gây rủi ro cho người tiêu dùng, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, làm méo mó thị trường và kìm hãm sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Dù đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế và chiếm tỷ trọng lớn về số lượng, khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu hoạt động trong tình trạng phi chính thức. Phần lớn các hoạt động của hộ không kê khai đầu vào, doanh thu và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Sự thiếu minh bạch này dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với cả người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế nói chung.
DN chân chính “co cụm”
Chính vì lý do này, nhiều DN chân chính không dám mở rộng quy mô do phải cạnh tranh không lành mạnh với các hoạt động phi chính thức (không đăng ký, không kê khai, không chịu sự giám sát) của hộ. Để phát triển bền vững lực lượng DN cần đưa hoạt động của hộ kinh doanh ra ánh sáng thông qua các biện pháp kết hợp hài hòa giữa khuyến khích và bắt buộc.
Trước hết, việc không kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa trong khu vực hộ kinh doanh đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái và thực phẩm kém chất lượng lan rộng. Phần lớn các loại hàng hóa này không xuất hiện trực tiếp tại các DN sản xuất mà được phân phối chủ yếu thông qua mạng lưới hộ kinh doanh nhỏ lẻ, từ chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, quầy sạp đến các điểm bán hàng lưu động.
Do áp dụng cơ chế thuế khoán và không yêu cầu kê khai hóa đơn đầu vào - đầu ra, hoạt động của hộ kinh doanh gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý về chất lượng, nguồn gốc và dòng chảy hàng hóa. Điều này khiến việc phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trở nên vô cùng khó khăn, làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng vào hàng hóa nội địa và uy tín của các nhà sản xuất chân chính.
Việc hộ kinh doanh không phải chịu các chi phí pháp lý, thuế, bảo hiểm xã hội hay chi phí lao động khiến họ có lợi thế chi phí bất hợp lý so với DN chính thức. Lợi thế chi phí phi lý này tạo ra môi trường cạnh tranh méo mó, buộc nhiều DN nhỏ và vừa, dù làm ăn bài bản, phải đối mặt với áp lực lớn về giá và thị phần.
Họ khó mở rộng quy mô bởi càng lớn thì chi phí tuân thủ càng cao, nhưng lợi thế cạnh tranh không tăng tương ứng. Chính sự chênh lệch này khiến nhiều DN lựa chọn quy mô cầm chừng, “không dám lớn” để tránh rủi ro bị hụt hơi trong cuộc cạnh tranh thiếu công bằng.
Về lâu dài, sự thiếu chính thức khiến hộ kinh doanh khó tích lũy vốn để mở rộng quy mô và nâng cấp lên DN. Vì thế, nền kinh tế không hình thành được lớp doanh nghiệp bản địa đủ năng lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Lộ trình minh bạch kinh doanh
Khi bàn đến phát triển bền vững, nhiều người thường nghĩ đến công nghệ cao hay doanh nghiệp lớn. Nhưng tại Việt Nam, chìa khóa cho quá trình này có lẽ nằm ở hộ kinh doanh cá thể vì đây là nơi tạo sinh kế cho hàng triệu người và nền tảng hình thành lớp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tương lai. Nếu được hỗ trợ đúng cách, họ sẽ trở thành động lực gần gũi và hiệu quả cho phát triển kinh tế bền vững.
Chính thức hóa hoạt động của hộ kinh doanh không đơn thuần là một biện pháp quản lý hành chính, mà cần được nhìn nhận như một chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và có chiều sâu.
Trong bối cảnh hộ kinh doanh với phần lớn hoạt động trong khu vực phi chính thức, việc “đưa ra ánh sáng” khu vực này chính là yếu tố then chốt để mở rộng nền tảng kinh tế nội địa, bảo đảm công bằng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, cần một lộ trình chuyển đổi toàn diện dựa trên ba trụ cột chính: cải cách thể chế, hỗ trợ thiết thực và kiến tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
Trước hết, kiên trì chính sách bắt buộc kê khai đầu vào - đầu ra đối với hộ kinh doanh và bỏ thuế khoán. Chính sách này vừa được Quốc hội ban hành tại Nghị Quyết 198, mặc dù vấp phải một số ý kiến trái chiều, nhưng đây là một bước đi cần thiết hướng đến đảm bảo sự công bằng, cũng như tạo khung pháp lý cho việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái.
Đây là cơ chế nhằm tạo lực đẩy cho các hộ kinh doanh chính thức hóa các hoạt động kinh doanh, không còn chỗ cho việc phân phối hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc.
Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi
Để cơ chế này được chấp nhận rộng rãi, các thủ tục kê khai nên được đơn giản hóa và phù hợp với từng đối tượng. Cần tích hợp trên một nền tảng điện tử thống nhất, cho phép cấp mã số thuế, hóa đơn điện tử và đăng ký bảo hiểm xã hội chỉ với vài bước cơ bản.
Song song đó, cần xây dựng một chế độ kế toán và báo cáo tài chính tối giản, phù hợp với trình độ quản lý và quy mô hoạt động của hộ kinh doanh nhỏ, tránh áp dụng các tiêu chuẩn phức tạp như với DN lớn. Đặc biệt, cần có cơ chế tư vấn pháp lý miễn phí hoặc được trợ giá, đi kèm các bộ hướng dẫn thực hành dễ hiểu, giúp hộ kinh doanh hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong quá trình chuyển đổi, từ đó giảm thiểu tâm lý e ngại với khu vực chính thức.
Bên cạnh yếu tố thể chế, hỗ trợ tài chính và nâng cao năng lực là những đòn bẩy không thể thiếu trong quá trình chính thức hóa hoạt động của hộ kinh doanh. Việc xây dựng các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho khu vực này là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận nguồn vốn để mở rộng và cải thiện hoạt động.
Cụ thể, các gói vay nên có mức lãi suất thấp, không yêu cầu tài sản thế chấp, và được thiết kế linh hoạt theo đặc thù ngành nghề. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế bảo lãnh từ các quỹ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho hộ kinh doanh đang trong quá trình chuyển đổi.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực hỗ trợ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được đặt trong một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch. Một trong những yếu tố then chốt là kiểm soát hiệu quả tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái nhằm đảm bảo tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.
Để giải quyết tận gốc, cần áp dụng cơ chế kiểm soát từ khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Chẳng hạn như quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa thông qua mã truy xuất nguồn gốc, hóa đơn điện tử và chứng từ hợp lệ đi kèm. Đồng thời, các chợ đầu mối, kho sỉ và trung tâm phân phối (nơi cung cấp hàng hóa chủ yếu cho hộ kinh doanh nhỏ) cần được kiểm tra định kỳ và siết chặt quy định về xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Song song đó, cần khuyến khích người kinh doanh tự lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận nhà cung cấp uy tín, mô hình liên kết theo chuỗi hoặc hợp tác xã. Việc này góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cũng là bước quan trọng để các hộ kinh doanh từng bước chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp, văn minh và bền vững hơn.
Đồng thời, cần tăng cường giám sát và minh bạch hóa hoạt động của chính quyền cơ sở, xử lý dứt điểm tình trạng thu phí không chính thức vốn dĩ là rào cản lớn khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn tiếp cận khu vực chính thức.
Cuối cùng, việc khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác như hợp tác xã kiểu mới, cụm ngành nghề hoặc tổ nhóm liên kết đóng vai trò quan trọng trong quá trình chính thức hóa hộ kinh doanh. Những hình thức liên kết này giúp các hộ cùng chia sẻ chi phí đầu vào, mặt bằng, vận chuyển hay tiếp thị, cũng như tạo điều kiện để học hỏi lẫn nhau về kỹ năng quản lý, kế toán, công nghệ và ứng dụng thương mại điện tử.