Vượt khó do chính mình tạo ra để vươn mình

(ĐTTCO) - Theo PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta đang trong bối cảnh lịch sử với những thách thức và vận hội đan xen, nhưng cũng có thể xem đây là thời điểm quan trọng cần phải vượt qua để “lột xác”.

Vượt khó do chính mình tạo ra để vươn mình

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhìn về tổng thể đúng là đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi tư duy cũng như định hướng về thương mại. Quan điểm của ông thế nào?

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: - Một nghịch lý rõ là Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng lực lượng doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Việt Nam không được bồi dưỡng để tận dụng cơ hội các FTA mang lại.

Trong khi DN đầu tư nước ngoài (FDI) nhìn thấy Việt Nam có nhiều cơ hội, họ đổ bộ vào để biến Việt Nam thành điểm sáng bậc nhất thế giới về thu hút FDI. Vậy tại sao Việt Nam không phải là điểm sáng về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trong nước? Chúng ta đang lãng phí cơ hội do chính chúng ta tạo ra.

Một nghịch lý khác là tăng trưởng nhưng lại tụt hậu. Do vậy bản chất sự tụt hậu và nguyên nhân cần được mổ xẻ. Cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư Tô Lâm “điểm nghẽn của điểm nghẽn” chính là thể chế, là sự thừa nhận nghiêm khắc. Tôi lấy thí dụ câu chuyện “đầu tàu” nhưng lại chạy chậm.

Cụ thể đó là cả vùng Đông Nam Bộ và TPHCM từng có hàng chục năm tăng trưởng hơn nhiều vùng khác, nhưng sau đó tăng trưởng chậm lại. Đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt kết nối cho vùng này rất kém, kém hơn so với đồng bằng Bắc Bộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao?

PGS-Tran-Dinh-Thien.jpg

Hoặc một nghịch lý khác là Việt Nam được cả thế giới đánh giá là giỏi chống chịu và “sống dai”, thuộc nhóm siêu nhất thế giới, nhưng chỉ có “lèo tèo” vài tỷ phú, còn lại phần lớn là DN siêu nhỏ “thoắt ẩn thoắt hiện”. Họ chấp nhận vay vốn với lãi suất tín dụng mười mấy phần trăm mỗi năm mà vẫn chịu được mấy chục năm!

- Như vậy ở khía cạnh DN dường như chính các DNTN cũng phải “tự lột xác” để thích nghi với môi trường mới hiện nay?

- Nói về các DN ở thời điểm hiện tại, tôi liên tưởng đến bức tượng Self-made man (người đàn ông tự tạc chính mình), để nói rằng chúng ta đang phải vượt qua chính mình, thoát khỏi mình, đục bỏ mình, vì đang cản trở chính mình.

Tăng trưởng của Việt Nam rất tích cực, 6 tháng đầu năm khi tính lại tăng trưởng 7,31%, nghĩa là quý II-2025 tăng gần 8%, tức đang tiến tới con số 8% như mục tiêu đã đề ra. Như tôi đã nói, DN Việt Nam trước đến nay rất giỏi, nhưng như thế thì không thể nào lớn lên được! Nghĩa là đến lúc cần phải thay đổi tư duy, cách vận hành để phù hợp với luật chơi mới.

Số DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm là 111.800, tăng 11,3%; số DN rút lui khỏi thị trường là 111.600, tăng 14,4%. Xem như không tiến không lùi về số lượng. Nhưng theo tôi, con số DN rút lui khỏi thị trường là có thật, còn con số thành lập mới chưa chắc là số thật.

Đó là tổn thất của nền kinh tế nếu số DN giảm đi, quy mô nhỏ đi, kéo theo số lao động ít đi, dẫn đến thu nhập cho nền kinh tế của các chủ thể là DN và người lao động giảm đi, từ đó ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Hay như cơ cấu kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ngày càng ít đi về tỷ trọng, còn FDI tăng lên, dù sự tăng lên của FDI về mặt vốn không quá dữ dội. Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, hướng ngoại, nhưng lực lượng chủ đạo của Việt Nam là khối FDI, DN trong nước chỉ lắp ráp và gia công thì quá bất ổn.

Bởi trong một thời gian dài chúng ta chậm xây dựng, kiến tạo các nền tảng thị trường (các thị trường), đặc biệt ít chú trọng phát triển đồng bộ thị trường các nguồn lực (thị trường đất đai, thị trường tài sản), duy trì quá lâu cơ chế “xin - cho” và tình trạng phân biệt đối xử. Và hệ lụy: Cấu trúc thị trường méo mó, không bền vững, lãng phí nguồn lực, rủi ro chính sách và “hư hỏng” bộ máy.

- Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước một thời khắc lịch sử cho sự “lột xác”, nên cần phải quyết liệt, mạnh mẽ, bứt tốc để tránh nguy cơ tụt hậu. Quan điểm của ông như thế nào?

- Chúng ta đang nói về “tư duy mới - vận hội mới”. Không chỉ kinh doanh thông thường mà chiến lược toàn cầu, ở một đẳng cấp phát triển. Vì Việt Nam khác với các nước trên thế giới ở chỗ đi sau và nghèo, nhưng mở cửa và hội nhập thuộc loại rộng nhất thế giới.

Chúng ta có một hành trình 40 năm để thực sự thừa nhận nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường “bình đẳng - cạnh tranh tự do”, tạo niềm tin và động lực đua tranh phát triển. Và nay Việt Nam mới công nhận vai trò quan trọng nhất của KTTN, thoát khỏi cách nghĩ KTTN là lực lượng bình thường, thậm chí đối lập.

Như vậy cứ mỗi lần thay đổi lại “nới” thêm một chút trong tư duy. Nếu trước đây, thay đổi về cơ chế chính sách trong đời sống thực tế diễn ra không được thừa nhận trong văn kiện, thì đến 2025 tư nhân mới được thừa nhận là động lực quan trọng nhất, là đòn bẩy cho quốc gia thịnh vượng, là động lực dẫn dắt với những hành động cụ thể và thiết thực trong đời sống. Đó là cơ hội, nên sẽ phát triển với một tâm thế hoàn toàn khác.

Thực tế là sau gần 40 năm đổi mới, cũng trên hành trình đó, Việt Nam đi sau những thành tựu lớn, và vẫn đang là “ngôi sao” tăng trưởng trong bối cảnh thế giới khó khăn, tăng trưởng toàn cầu đi xuống (xếp nhóm 35 quốc gia có quy mô GDP lớn trên thế giới).

Thế nhưng, khi chúng ta đặt mình vào tổng thể lộ trình đua tranh toàn cầu thì chưa thể vượt, vẫn tụt hậu, thậm chí nhiều lĩnh vực tụt hậu xa hơn nhiều nước. Chính điều đó chúng ta cần thay đổi vận mệnh.

- Xin cảm ơn ông.

Khó khăn lúc nào cũng có, thời điểm nào cũng có cả thuận lợi lẫn khó khăn đan xen. Vấn đề là chúng ta phải xem lại chính mình, cần phải tự “lột xác” để thích nghi, phát triển.

Các tin khác