Điểm nghẽn thể chế đang dần được gỡ bỏ

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN, cho rằng khâu khó nhất của “điểm nghẽn” thể chế đang dần được tháo gỡ, điều này sẽ tạo tiền đề cho kinh tế tư nhân của Việt Nam tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.

"Điểm nghẽn" thể chế được gỡ bỏ, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
"Điểm nghẽn" thể chế được gỡ bỏ, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, điều gì khiến bà tin rằng trong lần cải cách thể chế lần này Đảng, Chính phủ sẽ thực sự tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, mở đường cho tư nhân phát triển?

Bà PHẠM CHI LAN: - Có thể thấy những định hướng và thay đổi gần đây là điều rất đáng mừng. Kể từ khi Tổng Bí thư đưa ra tuyên bố thể chế là “điểm nghẽn của các điểm nghẽn”, chúng ta đã chứng kiến một loạt phát biểu và hành động cụ thể.

Các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị như Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã lần lượt ra đời. Tới đây sẽ có nghị quyết về giáo dục và y tế nữa.

Tất cả đang cho thấy một hướng đi cải cách hết sức mạnh mẽ và toàn diện, đồng bộ, nhất quán. Trong đó, điều thuyết phục tôi nhất là việc đầu tiên Tổng Bí thư bắt tay ngay vào cải cách bộ máy.

Đây là khâu khó nhất trong tất cả các khâu. Ban hành nghị quyết về khoa học - công nghệ hay phát triển doanh nghiệp tư nhân thì không quá khó, nhưng đụng đến bộ máy là chạm đến cấu trúc quyền lực, lợi ích, con người trong cỗ máy quyền lực các cấp. Đó thực sự là thách thức rất lớn.

6667d50a4b06965ab5b30d6b_ba_pham_chi_lan_1_high.jpg

Tuy nhiên, đây cũng là điều bắt buộc phải làm và làm bằng được. Vì nếu muốn tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chắc chắn không thể để chính những cỗ máy đã dựng lên thể chế cũ đứng ra tháo gỡ và xây cái mới.

Thể chế cũ là sản phẩm của tư duy, nhận thức và lợi ích của không ít người trong cỗ máy đó. Yêu cầu họ phá bỏ cái cũ đã là khó, huống hồ là xây cái mới, một mô hình khác biệt rất xa với tư duy, lợi ích của họ và những cung cách họ từng quen thuộc.

Nói thẳng ra, cải cách bộ máy chính là động chạm đến quyền lợi của nhiều người đang được hưởng từ thể chế hiện hành. Điều này ai cũng nhìn thấy, và Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhìn thấy. Nếu không giải quyết khâu này sẽ rất khó để thực hiện các bước tiếp theo.

- Theo bà nền tảng quan trọng trong lần cải cách này là gì?

- Trong việc cải cách này, có hai phần quan trọng nhất là tổ chức và con người. Thứ nhất về tổ chức. Nếu không tinh gọn bộ máy, vẫn để tồn tại một hệ thống cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về quyền hạn nhưng thiếu rõ ràng về trách nhiệm, “ai cũng có quyền nhưng không ai có trách nhiệm”, thì mọi đổi mới sẽ chỉ là hình thức.

Cùng với đó, chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan cũng cần quy định rõ dựa trên nguyên tắc “mỗi việc chỉ giao cho một người” để thực thi một cách hiệu quả, đề cao trách nhiệm giải trình. Thứ hai về nhân sự. Việc lựa chọn, sắp xếp lại con người trong bộ máy, cả những người cũ và những người mới, để phù hợp với tinh thần và yêu cầu cải cách, cũng là một bước vô cùng quan trọng mà không ít khó khăn.

Tất cả những bước này đang được tiến hành cùng một lúc, từ cấp cao nhất là Trung ương, tổ chức nội bộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cho đến địa phương. Bởi nếu chỉ thay đổi ở Trung ương mà không thay đổi được ở địa phương thì cũng dễ bị vô hiệu hóa.

Còn cấp dưới, sát với dân nhất mà chưa theo được tinh thần mới, chưa được tổ chức lại để vận hành theo hướng mới, thì sẽ trở thành lực cản. Con người bao giờ cũng là nhân tố quan trọng nhất ở bất cứ xã hội nào, tổ chức nào. Trong bộ máy nhà nước các cấp, nhân tố con người càng quan trọng hơn, vì sẽ quyết định vận mệnh của cả một quốc gia, một dân tộc.

Đất nước đi vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, cần có những con người với tư duy mới, nhận thức mới về thời cuộc, về những thay đổi vô tiền khoáng hậu trong thế giới ngày nay, kể cả so với khi nước ta bắt đầu Đổi mới cách đây gần 40 năm, hay khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cách đây gần 20 năm.

Từ đó để hiểu nước ta đang ở đâu, đang đứng trước những vận hội, thách thức gì và cần phải làm gì, làm như thế nào để vươn lên thật mạnh, thật hiệu quả trong những năm tới.

- Bà có khuyến nghị gì để Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân thực sự phát huy hiệu quả?

- Tinh thần của Nghị quyết 68 là rất đáng mừng. Điều chờ đợi hiện nay là phải luật hóa những quy định này vào trong hệ thống pháp luật. Làm sao để đặt ra một nguyên tắc cao nhất: luật, nghị định, thông tư ban hành ra chỉ được đưa ra những quy định thuận lợi hơn so với tinh thần của nghị quyết này.

Tuyệt đối không được trói lại, không được “rơi vãi” đi, không được gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Trước đó, đã từng có nhiều nghị quyết được ban hành, nhưng sau đó các bộ, ngành thường dùng rất nhiều tiểu xảo ở luật và văn bản dưới luật để gây khó cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vốn rất sợ các nghị định, thông tư, vì đó là nơi cài cắm nhiều nhất các quy định bất hợp lý, hoặc do lợi ích, hoặc do tư duy cũ kỹ của một số cơ quan, đơn vị. Nghị quyết đã khẳng định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất” với rất nhiều định hướng, nội dung cụ thể.

Chính vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần phải có các quy định nêu rõ các chính sách, ràng buộc về pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên, các đối tượng liên quan một cách minh bạch, nhất quán, đồng bộ, khả thi, có trách nhiệm giải trình rõ ràng.

Làm sao để không còn có thể “lách”, không thể quy định và thực thi khác với tinh thần của nghị quyết. Và cũng cần lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, của nhân dân trong quá trình soạn thảo, ban hành và nhất là thực thi các văn bản pháp quy, trên tinh thần phát huy sức mạnh, ý chí và sự đồng tâm nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, của toàn dân trong việc thực thi các nghị quyết quan trọng nói trên của Đảng.

- Xin cảm ơn bà.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong lần cải cách này là điểm đặc biệt. Những gì cần làm ngay thì Chính phủ, Quốc hội làm ngay, rất nhanh chóng, quyết liệt, để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Đó là điều rất quý.

Các tin khác