Dấu ấn
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 lây lan nhiều nơi thế giới, dẫn đến suy thoái trầm trọng kinh tế toàn cầu. Nước ta, trong đó có TPHCM không nằm ngoài phạm vi bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch. Mức độ tác động đối với TPHCM càng mạnh mẽ hơn các tỉnh, thành khác, khi kinh tế TPHCM có độ mở lớn và TPHCM là địa phương hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong bối cảnh khó khăn ấy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của TPHCM vẫn để lại nhiều điểm sáng rất rõ nét. Nổi bật nhất là việc TPHCM đã chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp hiệu quả phòng chống dịch Covid-19. Các đợt dịch bệnh xảy ra trên địa bàn đều được TPHCM kiểm soát, khống chế chỉ từ 3 đến 15 ngày. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, nhận xét, đây là một thành quả quan trọng, thể hiện khả năng ứng phó nhanh, hiệu quả của chính quyền, hệ thống chính trị và sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của nhân dân TPHCM. Từ đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM vẫn duy trì được hoạt động, góp phần vào mức tăng trưởng 1,39% của kinh tế TPHCM trong năm 2020.
TS Mai Chiếm Hiếu, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Khu vực II, nhận xét, trong bối cảnh toàn thế giới đứng trước thảm họa bởi đại dịch thì mức tăng trưởng của TPHCM rất có ý nghĩa. “Kết quả mà TPHCM đạt được là rất ấn tượng, thể hiện sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19”, TS Mai Chiếm Hiếu nhấn mạnh. Cụ thể hơn, TS Mai Chiếm Hiếu phân tích, hầu hết các địa phương khác có động lực tăng trưởng là nông nghiệp, còn động lực tăng trưởng của TPHCM là dịch vụ và công nghiệp. Trong khi, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến dịch vụ, công nghiệp thì mức tăng trưởng 1,39% thể hiện nỗ lực rất lớn của TPHCM, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng dương của cả nước.
Theo TS Mai Chiếm Hiếu, ngoài sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo và điều hành, thì TPHCM còn thực hiện các chính sách hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ngăn đà phá sản của doanh nghiệp (DN) và đảm bảo an sinh xã hội. Đơn cử như giải pháp miễn, giảm thuế cho DN; xử lý gia hạn hơn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho DN và gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất hơn 200 tỷ đồng. Đến cuối năm, con số hơn 8.300 DN hoạt động trở lại, tăng hơn 21% so cùng kỳ là minh chứng cho thấy rõ hiệu quả của các giải pháp tạo điều kiện về cơ chế, tài chính, thuế… hỗ trợ DN của chính quyền TPHCM.
Hiện nay, TPHCM đang tiếp tục có kế hoạch áp dụng gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho DN (trong các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm…) gặp khó khăn, vay với lãi suất 0%. “Gói hỗ trợ này có tác dụng rất lớn, giúp DN kịp thời vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Gói tín dụng 4.000 tỷ đồng còn mang lại những kết quả tích cực trong năm 2021 này”, TS Mai Chiếm Hiếu nhấn mạnh.
Nâng cao trách nhiệm cá nhân
TPHCM đang bước vào năm 2021 với nhiều sự kiện trọng đại, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Chuẩn bị cho kế hoạch năm 2021, TPHCM tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng trước tiên là kiểm soát tốt Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế TPHCM.
Không chỉ chuẩn bị những công việc cho năm 2021, lãnh đạo TPHCM còn xây dựng, định hướng những chương trình phát triển của TPHCM dài hơi, cho nhiều nhiệm kỳ sau. Cụ thể, TPHCM chuẩn bị, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, mà nội dung quan trọng là Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI thông qua 51 chương trình, đề án thực hiện 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển TPHCM.
Đặc biệt, để tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ hơn vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM đã tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo bằng việc mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách đột phá. TPHCM cũng kiên trì đeo bám và được Trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng, như tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; thành lập TP Thủ Đức (thuộc TPHCM). Cùng với đó là đề xuất phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Chính phủ ủng hộ, được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, những kết quả TPHCM đạt được trong năm 2020, chuẩn bị chu đáo cho sự phát triển dài hơi của TPHCM trong nhiều năm tới thể hiện sự chủ động, sáng tạo và tinh thần vượt khó vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân TPHCM.
Một điểm nhấn quan trọng để sớm tạo ra kết quả cụ thể, TPHCM chú trọng đến việc tiếp tục nâng chất lượng hoạt động của bộ máy và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có chương trình hành động trước khi nhận nhiệm vụ mới. Đây là cam kết rõ ràng, thể hiện trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Ngay sau đó, các đồng chí Lê Hòa Bình, Phan Thị Thắng đã trình bày chương trình hành động của mình khi được bầu vào chức Phó Chủ tịch UBND TPHCM (tháng 12-2020). Tương tự, đồng loạt các cán bộ chủ chốt của Thành ủy, UBND TP Thủ Đức… cũng phải xây dựng chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành TP Thủ Đức phát triển thành một mô hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM, vì cả nước, cùng cả nước.
Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Thành ủy TPHCM còn nhấn mạnh, chương trình hành động sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá định lượng về mức độ hoàn thành công việc. Khi đó, những hạn chế trong công tác phê bình, tự phê bình hay đánh giá cán bộ sẽ được khắc phục. Từ kết quả đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ thực chất hơn sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để TPHCM quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ... được chính xác, khách quan. Qua đó để đảm bảo quy mô kinh tế TPHCM sẽ không ngừng tăng lên, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư, cải thiện và diện mạo đô thị ngày càng thay đổi tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.